Không có thị trường nào dễ tính

Minh Phương 24/09/2019 07:00

Nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường đứng top đầu về nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam, đứng thứ nhất về ngành hàng rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ hai về hạt điều; đứng thứ ba về thủy sản…

Tuy nhiên, với những thay đổi về chính sách nhập khẩu của thị trường này, con số kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông thủy sản của Việt Nam đã sụt giảm đáng kể. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, thời điểm này kim ngạch xuất khẩu riêng 6 nhóm hàng nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc đạt 3,233 tỷ USD. Như vậy trong vòng 1 năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này bị sụt giảm hơn 380 triệu USD, tương đương giảm gần 12%.

Theo nhận định của Bộ Công thương, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thị trường thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động. Sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 của nước này không khởi sắc; tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu, đồng NDT giảm giá; tác động từ các chính sách mới và thực thi chính sách từ năm 2018 của các cơ quan quản lý Trung Quốc, tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch… Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, hóa đơn chứng từ… Trong khi đó, đa phần nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ và không chuẩn bị trước để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Thực tế thì việc thị trường Trung Quốc nâng cao chất lượng nông sản nhập khẩu, yêu cầu phải có nhãn truy xuất nguồn gốc đã được nhà quản lý cảnh báo từ rất lâu, song nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn chủ quan, vẫn có tư duy coi đây là thị trường dễ tính nên không chịu thay đổi. Và hệ lụy là những gì chúng ta đã chứng kiến, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm khá sâu.

Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, không nên coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các quy định về truy xuất nguồn gốc. Còn theo lãnh đạo Bộ Công thương, đã đến lúc các doanh nghiệp xuất khẩu không thể chậm trễ mà phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh ngay từ hôm nay. Nếu không sẽ quá muộn!

Minh Phương