Bốn 'đẹp' trong đồng bào Công giáo Nam Định
Theo Linh mục Hoàng Văn Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, gần 10 năm qua, hưởng ứng các phong trào, chức sắc và đồng bào Công giáo trong tỉnh đã có rất nhiều hoạt động thiết thực, chung tay hiện thực hóa các nội dung, mục đích của các cuộc vận động ngay tại làng quê, xứ đạo của mình, từ góp, hiến đất, tiền mặt, ngày công, tháo dỡ, di chuyển công trình phục vụ việc làm mới, nâng các công trình phúc lợi đến việc trồng hoa, cây xanh ven đường, mang lại diện mạo mới khang trang sạch đẹp cho làng quê, xứ đạo.
Nhà thờ Giáo họ Sa Nam (xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) khang trang trong ngày lễ.
Tham quan xứ đạo Hải Điền (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu), chúng tôi vừa cảm nhận rõ sự yên bình vừa thấy rõ sự khang trang, sạch đẹp hiếm có của xứ đạo. Cùng đi trên con đường chạy ngang qua giáo xứ, dài gần 1km, rộng 5 m, đổ bê-tông dày tới 25 cm, hai bên rợp bóng cây xanh, sắc hoa mười giờ, ông Hoàng Văn Mạnh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hải Đông không dấu được niềm vui, khoe rằng: “Đây là công trình được làm nên bằng sức mạnh đoàn kết”.
Theo ông Mạnh, tổng chi phí xây dựng con đường lên tới 1,2 tỷ đồng, nếu chỉ trông vào nguồn ngân sách được cấp (700 triệu đồng) và nguồn đóng góp của giáo dân địa phương sẽ không đủ. Với tinh thần trách nhiệm, đồng hành cùng chính quyền, cùng bà con giáo dân và bằng uy tín của mình, Linh mục Trần Văn Thiết- xứ Hải Điền đã không quản ngại, kêu gọi quyên góp thêm từ nhiều nguồn được 500 triệu đồng, nhờ vậy công trình đã được hoàn thành từ mấy năm trước. Từ chỗ chật hẹp, lầy lội giờ đây con đường sạch đẹp, rợp bóng cây xanh, sắc hoa này không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại mà còn là không gian thư giãn chung của người dân xứ đạo...
Tại xứ đạo Kiên Lao (Xuân Trường), giáo dân Trần Văn Kiều được nhiều người biết đến là người tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều việc làm thiết thực góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt ở địa phương. Theo đó, không chỉ nghiên cứu, chế tạo ra thiết bị lò đốt rác được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Nam Định lựa chọn, mấy năm qua ông Trần Văn Kiều còn thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao của mình với công tác bảo vệ môi trường khi huy động vốn đầu tư, biến một bãi chôn lấp rác thải vốn rất ô nhiễm của thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường) thành một “công viên bãi rác”, nơi vừa là điểm xử lý rác thải vừa là địa chỉ vui chơi, giải trí của người dân địa phương, rộng rãi, khang trang, sạch đẹp như một công viên...
Thống kê của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, chỉ tính trong 5 năm qua (2014-2019), đồng bào Công giáo trong tỉnh đã hiến trên 20.000 m2 đất, góp hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm. Gia đình ông Vũ Ngọc Lân ở giáo xứ Kiên Chính (Hải Chính, Hải Hậu) là một trong nhiều gương điển hình về tinh thần hiến đất phục vụ lợi ích chung. Cụ thể, khi địa phương triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã sẵn sàng hiến đến 200m2 đất thổ cư, không nhận đền bù để phục vụ việc mở rộng đường giao thông qua địa bàn xứ đạo. Không kể những người đã góp với diện tích lớn, thời gian qua hầu hết các gia đình Công giáo trong tỉnh đều đã đóng góp từ 10-20m2/sào đất canh tác để phục vụ việc xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Dù không nhận tiền đền bù nhưng gia đình nào cũng vui vẻ, hào hứng vì nhận thức rõ rằng mình đóng góp không phải để cho ai mà để phục vụ cho chính mình...
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (9 huyện đạt chuẩn, TP Nam Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới). “Trong niềm vui chung, người Công giáo Nam Định chúng tôi tự hào đã có những đóng góp bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, với tinh thần tham gia xây dựng nông thôn mới là mình làm cho chính mình”- Linh mục Hoàng Văn Tuấn chia sẻ.