Chọn việc mà làm
Sự thờ ơ, lãnh đạm như lớp tro giữ cho lửa âm ỉ, nhưng nó sẽ nguội ngay lập tức khi lấy ra khỏi lò”- Rabindranath Tagore (1861–1941)
Cứ theo cái cách suy nghĩ của thời đại Công nghệ 4.0 với sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo, của Tự động hóa, của Robot hóa, của Công nghệ thông tin... thì con người, đặc biệt là thanh niên có nhiều cơ hội để lập nghiệp, để tiến thân, để mưu cầu hạnh phúc. Việc ấy tưởng dễ hóa ra lại rất khó. Mới trải qua 19 năm đầu tiên của thế kỷ XXI mà ai cũng thấy rõ nhiều thất bại, nhiều tai họa, nhiều biến cố đã xảy ra cho nhiều người chỉ vì không biết chọn việc mà làm. Nhiều khởi nghiệp, nhiều dự án, nhiều chương trình... có tuổi thọ chỉ dưới 1 năm. Nhiều cử nhân không có việc làm ổn định chỉ vì cứ “đứng núi này, trông núi nọ” đâm ra mất bao nhiêu thì giờ, mất bao nhiêu sức lực mà vẫn tay trắng. Có nhiều cách lý giải cho những thất bại của cá nhân và tập thể lập nghiệp đó theo nhiều góc nhìn (Point of view) khác nhau. Nhưng nếu ta thử đứng trên cách nhìn của Triết học cao cấp Đông phương (Great Eastern Philosophy) mà điển hình là nhà triết học Cổ đại Tuân Tử, tên chữ là Tuân Huống (315-236 trước Công nguyên), thì cũng thấy được phần nào cách lựa chọn đúng đắn khi tìm công ăn, việc làm cho tất cả mọi con người lương thiện.
Nguyên lý “chọn việc mà làm” được Tuân Tử tóm tắt như sau: “Mình vất vả mà lòng được yên ổn thì cứ làm, mình có lợi ít mà được việc nghĩa nhiều thì cứ làm” (Thân lao nhi, tâm an, vi chi/ Lợi thiểu nhi nghĩa đa, vi chi). Phân tích câu danh ngôn này đã có nhiều sách giáo khoa, nhiều nhà phân tích từ hàng trăm năm nay rất công phu, rất chi tiết, rất thành công. Nhưng liệu trong thế kỷ XXI câu danh ngôn này còn đúng đến đâu? Câu trả lời có thể dễ dàng khẳng định ngay là: “Đây là một danh ngôn đúng đắn cho đến tận muôn đời, nghĩa là mãi mãi đúng, mãi mãi chính xác, mãi mãi là ánh sáng soi đường”. Vì sao? Xin cứ từ từ phân tích, từ từ tìm hiểu.
Vế 1: “Mình vất vả mà lòng được yên ổn thì cứ làm”: Tức là mình dựa vào Đạo đức và Pháp luật mà làm thì luôn được lâu bền, luôn được mọi người ủng hộ. Còn việc mình vất vả khó nhọc là lẽ đương nhiên, ngay cả trong một xã hội văn minh, với nền đại công nghiệp phát triển thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Mà con người ấy phải là con người vất vả, khó nhọc, ngày đêm suy nghĩ, ngày đêm cạnh tranh mới mong vượt được cá nhân khác, vượt được tập đoàn khác, vượt được quốc gia khác. Như thế, vế thứ nhất trong lời dạy của Tuân Tử được tóm tắt trong 4 từ: “Lòng được yên ổn”. Lòng được yên ổn, theo hai nhà triết học đương đại là Đạt lai Lạt ma và Thích Nhất Hạnh chính là “Tâm bình an” hay “Tâm an lạc” hay “Inner Peace”. Đây là hạnh phúc to lớn nhất mà con người mong ước có được, con người theo đuổi trong suốt cả một vòng đời, từ khi mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay. Mà muốn tâm bình an, lòng được yên ổn đâu có dễ. Đứng trước một công việc được giao cho cá nhân, đứng trước một “Tầm nhìn” (Vision) và “Nhiệm vụ” (Mission) giao cho tập đoàn, cho công ty, cho doanh nghiệp, đòi hỏi trước tiên và quan trọng nhất là sự nhiệt tình, hăng hái, đồng lòng chung sức của tất cả mọi người cho công việc. Tuyệt đối không ai được thờ ơ, được lãnh đạm trước bất kỳ nhiệm vụ nào, công việc nào. Thờ ơ, lãnh đạm chính là nguyên nhân thất bại của mọi dự án khởi nghiệp, đúng như nhà triết học Ấn độ - Rabindranath Tagore (1861-1941) đã cảnh báo: “Sự thờ ơ, lãnh đạm như lớp tro giữ cho lửa âm ỉ, nhưng nó sẽ nguội ngay lập tức khi lấy ra khỏi lò” (Indifference is like ashes that keep the fire smoldering but give no warmth when removed from the hearth). Như thế là mọi thành viên trong tập thể khởi nghiệp phải cố gắng, phải nỗ lực hết mình cho công việc, như một danh ngôn của người Mỹ da đỏ: “Sức mạnh của từng con sói nằm trong sức mạnh của cả đàn sói và sức mạnh của cả đàn sói nằm trong sức mạnh của từng con sói”. Nói một cách khác, có nhiệt tình hăng say rồi, phải biết đoàn kết bảo ban nhau, tuyệt đối không kể công, không phân biệt, kỳ thị trong tập thể thì mới đảm bảo được sức mạnh lâu bền.
Cùng với câu danh ngôn mà Tuân Tử đã đề xuất, trong các sách “Luân lý giáo khoa thư”, sách “Học làm người” cũng đã có những bài học dễ hiểu, dễ theo để từ các em học sinh tiểu học đến ông tiến sĩ đều hiểu được ý nghĩa trong những câu chuyện ở những trang sách này.
Đó là: Chuyện ngụ ngôn của La Fontaine nổi tiếng mấy trăm năm qua, trong đó có chuyện “Thỏ và rùa”. Thỏ là con vật chạy rất nhanh. Ngược lại, rùa là con vật nặng nề đi đứng chậm chạp, đến nỗi dân gian thường nói “chậm như rùa”. Ấy thế mà trong cuộc chạy thi, thỏ cậy mình chạy nhanh nên vừa đi vừa chơi, vừa gặm cỏ non bên đường, vừa đuổi chim bắt bướm. Còn rùa biết phận mình đi chậm nên cố gắng mải miết đi, không dám nghỉ. Chợt đến khi thỏ nhận ra là rùa sắp về đến đích, nó vội cắm cổ chạy theo thì đã muộn, rùa đã về đích trước. Rùa đã dạy cho thỏ nói riêng và con người nói chung một bài học rằng có sự cần cù, chịu khó thì nhất định sẽ thành công trong mọi việc.
Đó là câu danh ngôn nổi tiếng: “Hòn đá cứ lăn mãi thì làm sao cho rêu bám vào được” (La pierre roule n'amasse pas la mousse). Câu này nhắc nhở con người phải yên tâm, bền chí mà theo đuổi công việc mình đã chọn thì ắt có ngày thành công. Cũng giống câu “có công mài sắt có ngày nên kim” trong ca dao Việt Nam ta.
Tạm sơ kết vế 1: “Mình vất vả mà lòng được yên ổn thì cứ làm”, nghĩa là công việc đó hợp với đạo lý, hợp với pháp luật, dù phải vất vả khó nhọc vẫn nên bền chí, giữ vững nhiệt tình, cần cù, chịu khó, giữ vững đoàn kết để mang lại thành công.
Sang vế thứ hai: “Mình có lợi ít mà được việc nghĩa nhiều thì cứ làm” lại mang một nội hàm vô cùng nhân ái, vô cùng cao thượng mà mọi người vẫn quen gọi bằng các khẩu hiệu “Mình vì mọi người” hoặc “Vì người khác”, hoặc “Đặt quyền lợi cá nhân ở dưới quyền lợi tập thể”, hay “Phải biết cách dung hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi cá nhân mới là người trưởng thành”.
Mặc dù Tuân Tử cách chúng ta hơn 2000 năm nhưng ông đã xác định cái “lợi” của ta ít, tức là cái quyền lợi của từng cá nhân tuy có ít nhưng việc ta làm là phục vụ tốt cho cái “nghĩa” nhiều, tức là nói cái nghĩa vụ đối với xã hội, đối với cộng đồng thì cũng phải cố gắng nỗ lực mà làm. Chao ôi, hàng ngàn năm hay hàng vạn năm nữa dù có trôi qua, thì cái nguyên tắc làm người vẫn dạy bảo chúng ta phải biết cân đối, phải biết xử lý cho đúng cái nghĩa vụ bao giờ cũng ở trên cái quyền lợi.
Nhà triết học vĩ đại người Đức - Emmanuel Kant (1724-1804) đã tóm tắt cái logic của sự phấn đấu cho một “quyền lợi” như sau: “Theo luận cứ của tôi, mọi quyền lợi phải được bao gồm trong 3 nội dung: Tôi có thể học hỏi được gì, tôi phải làm những việc gì, tôi được phép hy vọng gì? (Tout intérêt de ma raison est compris dans les trois questions suivantes: Que puis je faire, que dois je faire, que m'est il permet d'espérer).
Mãi cảm ơn Kant đã chi tiết hóa quá trình cho một cái quyền lợi đích thực, quyền lợi chính đáng, quyền lợi lâu dài đối với một con người phải là:
- Tôi học hỏi thêm được gì để trưởng thành, để tiến bộ hơn trước.
- Tôi có nghĩa vụ phải đóng góp những gì, phải làm những gì.
- Và cuối cùng, tôi mới hy vọng đạt được cái gì, thu lại được cái gì.
Chính định đề triết học nổi tiếng này của Kant đã tạo ra những con người Đức với những đức tính cao quý trong việc đóng góp cho loài người biết bao phát minh khoa học lớn lao. Thì ra “phương pháp luận” (Méthodology) mới thực sự soi sáng cho tất cả các thành tựu của cả tư duy lẫn sáng tạo.
Trở lại với cuộc sống đời thường của chúng ta trong xây dựng thời bình và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi có kẻ thù lăm le bờ cõi, những tư tưởng của Tuân Tử và của Kant vẫn luôn luôn soi sáng cho mọi suy nghĩ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, soi sáng cho chọn việc mà làm, chọn bạn mà chơi, chọn ngành chuyên môn mà học.
Những tư tưởng lớn của hai ông thực sự là những ngôi sao sáng nhất trong bầu trời “Cổ học tinh hoa”.