Dự thảo quy định về thi giáo viên dạy giỏi: Hướng đến thực chất, không hình thức
Bộ GDĐT đang xin ý kiến cho Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp học mầm non, phổ thông. Theo các chuyên gia, dự thảo lần này có nhiều điểm mới được đánh giá là khoa học, giảm bớt áp lực cho giáo viên.
Vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng, là cầu nối giữa gia đình và nhà trường.
Không thử, chỉ báo trước 3 ngày
Theo Dự thảo, ở mỗi bậc học, nội dung thi gồm 2 phần: trực tiếp tổ chức dạy tại 1 lớp học trong 1 tiết và báo cáo thuyết trình tối đa 30 phút. Các tiết dạy học hay tổ chức hoạt động được thực hiện tại cơ sở nơi giáo viên đang làm việc, ở các lớp học có đầy đủ học sinh. Những hoạt động này không được thử trước; và chỉ báo trước tối đa 3 ngày trước thời gian thi.
Ở phần trình bày, giáo viên sẽ thuyết trình biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất về nghiệp vụ của mình (cách nuôi dạy trẻ ở mầm non, cách tổ chức hoạt động giáo dục ở bậc phổ thông...) trong thời gian tối đa 30 phút. Biện pháp báo cáo phải chưa được báo cáo ở bất cứ đâu, chưa được dùng để xét duyệt thành tích cá nhân trước đó. Hội thi cấp trường được tổ chức mỗi năm một lần. Hội thi cấp huyện được tổ chức 2 năm một lần. Hội thi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần.
Như vậỵ, việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi được Bộ GDĐT hướng đến thực chất với quy định chặt chẽ không được dạy “nháp”, dạy thử trước cho học sinh. Điều này giảm bớt việc “diễn” trong tiết học như lâu nay nhiều phụ huynh đã phản ánh. Một tiết học mà cả cô và trò khi đã nhuần nhuyễn nội dung kiểu cô hỏi - trò đáp trúng, không thể sai, thậm chí là không cả ngắc ngứ chút nào nếu không muốn nói là đã thuộc làu làu vì được tập dượt nhiều lần trước đó khiến cả người trong cuộc và cả những giáo viên dự giờ khác cũng đều ngán ngẩm!
PGS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, Bộ GDĐT đưa ra quy định thành văn bản như thế này là rất đúng, rất trúng tâm tư nguyện vọng của nhiều giáo viên. Theo ông Dong, một số thầy cô không hề thoải mái với những tiết dạy mẫu mực mà chỉ có học sinh khá giỏi được thể hiện còn học sinh yếu kém thì chỉ giơ tay cho có phong trào. Bởi thực chất, thi giáo viên giỏi chỉ một vài ngày còn việc dạy học trò là cả một chặng đường dài nên càng những em yếu kém càng phải tăng cường, sát sao kèm cặp để các em đuổi kịp chúng bạn.
Nghiên cứu kỹ Dự thảo, ông Dong cho rằng thi giáo viên dạy giỏi là một hoạt động chuyên môn sâu rộng, tập trung của tập thể sư phạm, bổ ích cho môi trường giáo dục. Các cấp cần quan tâm xem xét cách tổ chức cuộc thi như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Tuyệt đối không dựa vào danh hiệu giáo viên dạy giỏi để tạo thành tích cho nhà trường. Sự tôn vinh những giáo viên tận tâm, hiệu quả, có năng lực sư phạm mẫu mực mới là điều các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.
“Đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lâu nay chúng ta vẫn chưa nhìn nhận xứng đáng vai trò của các thầy cô trong việc giáo dục học sinh. Không chỉ riêng cấp tiểu học mà THCS, THPT, vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng, là cầu nối giữa gia đình và nhà trường. Thậm chí có những học sinh có thể tâm sự với giáo viên chủ nhiệm nhiều điều mà các em không kể với bố mẹ nên khuyến khích vai trò của giáo viên chủ nhiệm là việc cần làm”- PGS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Cần tự nguyện
Dự thảo lần này cũng quy định rõ các cuộc thi này phải dựa trên nguyện vọng tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan; tuyệt đối không có hành vi vụ lợi trong hội thi. Nghiêm cấm tổ chức hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành. Nghiêm cấm lợi dụng danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của cá nhân giáo viên để vụ lợi cho thành tích của nhà trường.
Trên thực tế, đã có nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi bị phản ánh trên báo chí là “ép” chỉ tiêu từ trên xuống mỗi trường, mỗi khối lớp… phải cử giáo viên tham gia. Nhiều thầy cô được vận động đã từ chối nhưng cũng không thể từ chối mãi được. Như câu chuyện thi giáo viên dạy giỏi của quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng đầu năm 2019 được phụ huynh phản ánh là học sinh yếu kém được nhà trường thông báo nghỉ ở nhà gây bức xúc trong dư luận.
Tiếp thu các ý kiến phản hồi, Bộ GDĐT đã đánh giá là các cuộc thi này không còn phù hợp, phải thay đổi. Tuy nhiên, không thể bỏ hẳn các cuộc thi vì chẳng hạn, hội thi giáo viên giỏi vẫn rất cần thiết trong hoạt động chuyên môn của giáo viên. Qua hội thi đã chọn được những giáo viên có năng lực, để từ đó tạo nên một đội ngũ giáo viên cốt cán trong hoạt động chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn và đổi mới giáo dục. Đồng thời, có tổ chức thi mới tạo nên khí thế thi đua, góp phần tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Ông Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho rằng, Bộ GDĐT cũng rất cầu thị tìm cách để có những phương án điều chỉnh những lệch lạc, áp lực thành tích và qua thăm dò ý kiến, mong đợi của các thầy cô là vẫn giữ cuộc thi này. Tuy nhiên, những quy định cũng cần có sự thay đổi để đảm bảo thiết thực, hợp lý, đúng ý nghĩa của cuộc thi.
Việc góp ý cho các cuộc thi này từ chính đội ngũ giáo viên trên cả nước – những người trong cuộc chính là những ý kiến quan trọng để sao cho các cuộc thi này ngày càng thực chất, ý nghĩa hơn.