Nợ trách nhiệm

Hà Linh 25/09/2019 08:00

Đó là câu thành ngữ hoàn toàn có thể áp vào trường hợp dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Một dự án giao thông điển hình về sự chậm tiến độ, đội vốn, tốn nhiều công sức, giấy mực của báo giới và truyền thông. Nhất là chỉ vài ngày trước đây, khi Kiểm toán Nhà nước công bố cụ thể hơn về những sai phạm của dự án này.

Nợ  trách nhiệm

Dù đã vận hành thử nghiệm nhiều tháng qua nhưng tới nay đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa xác định được thời điểm đưa và khai thác.

Dư luận càng “té ngửa” khi hay tin trước đây hàng chục năm, người ta đã biết trước Dự án không khả thi mà vẫn... “cố đấm ăn xôi” để đến nay vẫn hiện hữu là một công trình 16 năm vẫn “đề pa” tại chỗ. Thậm chí, dù đội vốn từ trên 8.000 tỷ đồng lúc ban đầu lên hơn 18.000 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư là Bộ GTVT cũng không hề báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến xin phép Quốc hội.

Qua 5 đời Bộ trưởng GTVT và hàng chục năm triển khai, qua khoảng 4 đến 5 lần hứa hẹn vận hành thương mại, nhưng đến nay hơn 13km đường sắt trên cao này vẫn chình ình trơ khấc như một sự thách đố mọi nỗ lực và kỳ vọng của không chỉ người dân Thủ đô, làm thất vọng mọi ước mơ và hoài bão tốt đẹp về một loại hình vận tải hành khách công cộng đô thị, thì Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thực sự còn là một điển hình về sự lãng phí nguồn lực. Chẳng hạn nói riêng, ngoài chuyện đội vốn lên trên 205% so với số vốn ban đầu, cơ quan chức trách mới đây đã chỉ ra thêm hàng loạt những vi phạm và sai phạm của Dự án này. Cụ thể, dù là Dự án trọng điểm của ngành GTVT, quy mô đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng nhưng quá trình đầu tư Dự án có hàng loạt “lỗ hổng” được Kiểm toán Nhà nước phát hiện sau nhiều năm thực hiện. Đó là chủ đầu tư dự án đã không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc dự án; bản vẽ thiết kế cơ sở chưa thể hiện được kết cấu chính của dầm cầu, trụ cầu tuyến đường sắt; khi lập dự án không tính toán đến việc xử lý nền đất yếu dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung. Đặc biệt, lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT. Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác. Phương án tài chính của dự án này ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả. Chỉ riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án này đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỉ đồng, trong đó chi phí mua các đoàn tàu tăng 364 tỉ đồng, hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỉ đồng (tăng 227%). Hoặc, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục Hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong Hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng...

Thực tế theo báo cáo của các đơn vị chức năng, đến nay Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99%, 1% còn lại chủ yếu là liên quan đến thủ tục kỹ thuật, hoàn thiện trang trí nhà ga; riêng hệ thống đường ray, các đoàn tàu đã sẵn sàng cho việc hoạt động thương mại (thực tế đang chạy kỹ thuật lâu nay) nhưng để tàu chạy chở khách thì… chưa biết khi nào. Mặc dù đã có 13 đoàn tàu có sức chứa trên 1.000 khách/lượt của dự án đã được nhập về và vận hành thử nghiệm nhiều tháng qua nhưng đến nay cả 13 đoàn tàu này chưa được đăng kiểm, cấp chứng nhận an toàn. Đặc biệt là cả dự án chưa được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cấp bất cứ thứ giấy tờ gì về nghiệm thu về chất lượng, an toàn. Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện cũng chưa được mời và tham gia các quy trình nghiêm ngặt về đăng kiểm - kiểm định - cấp giấy chứng nhận an toàn cho dự án này. Cũng theo đại diện Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước trả lời báo chí, đến nay do dự án chưa có sơ đồ hoàn công tổng thể, chưa có hồ sơ kỹ thuật vận hành nên chưa có cơ sở nghiệm thu.

Điều này chứng tỏ, để đưa Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông không còn diện “trơ gan cùng tuế nguyệt” thì đòi hỏi chủ đầu tư là Bộ GTVT và các bộ ngành hữu trách, cùng lãnh đạo UBND TP Hà Nội cần quyết liệt hơn, rốt ráo hơn. Đừng để dự án cứ bị khất lần, cứ hoen gỉ theo năm tháng.

Ðường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông dài 13,5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD (sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017). Dự án khởi công tháng 10/2011, ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Sau đó lùi tới tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích, Bộ GTVT vẫn nói “phấn đấu” hoàn thành trong năm 2019.

Hà Linh