Vấn đề Iran làm nóng kỳ họp Đại hội đồng LHQ
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tuyên bố về kế hoạch duy trì sức ép nhằm vào Iran trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, đặc biệt là sau khi loạt đòn tấn công đầy kịch tính nhằm vào các cơ sở dầu khí của Arab Saudi làm rúng động khu vực Trung Đông và dấy lên mối quan ngại về khả năng xảy ra chiến sự.
Lãnh đạo Mỹ và Iran sẽ chạm mặt tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ. (Nguồn: The National).
Vấn đề thách thức
Đây sẽ là lần thứ ba mà ông Trump xuất hiện trước các nhà lãnh đạo thế giới tại trụ sở của LHQ ở thành phố New York, Mỹ để nói về những thách thức mà chính quyền của ông đang phải đối diện: Từ vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc cho tới Venezuela.
Trong lúc tìm cách cải thiện hình ảnh trong con mắt công chúng nhằm tăng lá phiếu bầu trong kỳ bầu cử Tổng thống năm sau, ông Trump có thể sẽ đưa ra một thông điệp giúp trấn an quan ngại của giới cử tri liên quan tới xu hướng đưa ra những nhận định gây căng thẳng của ông.
Vấn đề quan trọng và đáng chú ý nhất trong bài phát biểu này được cho là Iran. Tehran hiện đang bị nhiều bên cáo buộc đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào Arab Saudi cách đây 10 ngày. Cuối tuần trước, ông Trump đã gia tăng các đòn trừng phạt nhằm vào Iran và ra lệnh triển khai thêm binh sỹ Mỹ tới Arab Saudi và UAE, trong một động thái nhằm thể hiện rõ sự ủng hộ đối với hai đồng minh này.
Ông Trump đến nay vẫn thể hiện sự kiềm chế khi không sử dụng vũ lực nhằm vào Iran sau các vụ tấn công nói trên, bất chấp sức ép từ các chính trị gia “diều hâu” có tư tưởng bảo thủ, những người cho rằng Iran cần phải bị trừng phạt.
“Chúng ta đang gây sức ép rất lớn lên họ, lớn hơn mà họ từng phải gánh chịu” - ông Trump nói trước báo giới hôm đầu tuần này - “Rất nhiều thứ đang xảy ra với Iran...Tôi sẽ thảo luận nhiều hơn về vấn đề này trong ngày hôm sau”.
Ông chủ Nhà Trắng đã nhận được sự ủng hộ quan trọng tại LHQ trong hôm đầu tuần này khi mà Anh, Đức và Pháp đều lên tiếng cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công Arab Saudi, đồng thời kêu gọi Tehran chấp nhận tham gia các vòng đàm phán mới về chương trình hạt nhân/tên lửa của nước này.
“Đối với chúng tôi, rõ ràng là Iran phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Không có lời giải thích nào khác. Chúng tôi ủng hộ các cuộc điều tra đang diễn ra nhằm tìm thêm chi tiết” - Anh, Pháp và Đức nói trong một tuyên bố chung.
“Không cần người hòa giải”
Cả ông Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đều sẽ chạm mặt tại trụ sở của LHQ trong tuần này, bởi cả hai cùng tham dự các sự kiện tại đây. Ông Rouhani cũng sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào hôm thứ Tư tới.
Hiện có nhiều sự ngờ vực về khả năng tổ chức cuộc gặp giữa ông Trump và ông Rouhani. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei từng tuyên bố rằng Iran sẽ không bao giờ tổ chức gặp gỡ trực diện với Mỹ, mà chỉ có thể tham gia vào các vòng thảo luận đa phương nếu như Washington trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.
“Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới thế giới trong cuộc họp LHQ này là hòa bình, ổn định và chúng tôi cũng muốn nói với thế giới rằng tình hình ở Vịnh Ba Tư đang rất nhạy cảm” - ông Rouhani nói.
Các nhà lãnh đạo châu Âu bấy lâu nay vẫn phải chật vật tháo gỡ tình trạng xung đột giữa Tehran và Washington. Hôm đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đề cập tới một Thỏa thuận hạt nhân Iran mới trong đó kiềm chế các hoạt động hạt nhân và cả các chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Phát biểu trên kênh NBC News, ông Johnson nói rằng ông Trump là “người duy nhất” có thể kiến tạo Thỏa thuận này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đến với sự kiện lần này để tìm kiếm vai trò hòa giải, mở ra khả năng đàm phán giữa Mỹ và Tehran.
Dù ông Trump hoan nghênh sáng kiến về Thỏa thuận hạt nhân mới của ông Boris Johnson, ông lại bác bỏ nỗ lực hòa giải của ông Macron bởi tin rằng ông không cần bất cứ ai xen vào chuyện giữa ông với Iran.
“Chúng tôi không cần một nhà hòa giải” - ông Trump nói trước báo giới - “Ông ta (Macron) là một người bạn của tôi, nhưng chúng tôi không tìm một người hòa giải nào cả. Họ biết cần phải gọi cho ai”.