Đổi mới hệ thống an sinh xã hội: Tiếp cận dựa trên quyền con người
Ngày 25/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì xây dựng Báo cáo đánh giá Nghị quyết số 15) đã tổ chức Hội thảo Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 khu vực phía Bắc.
Báo cáo và đánh giá kết quả về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và một số định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030, Bộ LĐTBXH cho biết, năm 2018, 99% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 98,5% xã, phường trong toàn quốc được công nhận là xã, phường thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ. Bên cạnh đó, Nghị quyết rất chú trọng phát triển trợ giúp xã hội và giảm nghèo, coi đầu tư cho trợ giúp xã hội là đầu tư cho tăng trưởng bền vững và giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Kết hợp hiệu quả vai trò của Nhà nước với vai trò của xã hội và từng người dân. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn nhằm giúp người nghèo, vùng nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 xuống còn dưới 5% năm 2015; từ 8,23% năm 2016 xuống còn 5,35% năm 2018, dự kiến giảm xuống 4,35% năm 2019 và đến cuối năm 2020 còn 3,35%.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, khung khổ pháp lý về an sinh xã hội vẫn chưa hoàn thiện, chưa bắt kịp những xu hướng phát triển mới và yêu cầu của cuộc sống và chất lượng một số chính sách còn hạn chế nên không triển khai được trong thực tiễn. Đến nay, phạm vi bao phủ của an sinh xã hội còn hẹp, tốc độ mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội đang chậm lại; quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; bất bình đẳng tiếp tục gia tăng giữa các nhóm dân cư, vùng miền. Tài chính cho an sinh xã hội còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống quản lý còn thủ công, lạc hậu, phân tán, chưa khai thác và tận dụng hết thế mạnh của công nghệ số.
Để đổi mới hệ thống an sinh xã hội đến năm 2030, các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, cần phát triển chính sách an sinh xã hội với cách tiếp cận dựa trên quyền con người, theo đó phải đảm bảo công bằng khi tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cho người dân. Thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an sinh toàn dân theo hướng linh hoạt, đa tầng, đa dạng, thích ứng với già hóa dân số và biến đổi khí hậu; cung cấp các dịch vụ xã hội toàn diện, có chất lượng cao, công bằng… nhằm đảm bảo sức khỏe, giáo dục, thoát nghèo cho người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.