Tạo lối mở cho văn hóa đọc
Theo báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), hiện cả nước có hơn 17.000 thư viện, tủ sách cộng đồng, phòng đọc ở cơ sở, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng; trong đó có hơn 100 thư viện tư nhân.
Bình quân mỗi thư viện, tủ sách có từ 2.500 đến 3.500 cuốn và từ 12 đến 25 loại báo, tạp chí . Đặc biệt, có thư viện tư nhân có 30.000 cuốn của Phạm Thế Cường (TPHCM), hơn 22.000 cuốn như Thư viện Hải Đà (Hà Nội), 20 nghìn cuốn của ông Phạm Chí Thiện (Hải Dương)...
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt quả đáng khích lệ hiện nay việc xã hội hóa thư viện cũng gặp không ít hạn chế. Theo bà Phạm Thu Hạnh-Trưởng phòng nghiệp vụ và phong trào cơ sở (Thư viện Hà Nội) thì trong thời gian khá dài, hoạt động thư viện thường xuyên nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và như vậy vấn đề xã hội hóa đã được thực hiện và áp dụng. Nhưng thực tế chưa trở thành phong trào rộng lớn vì chưa có sự chỉ đạo, định hướng cụ thể. Các hoạt động nhiều khi chỉ mang tính chất tư phát, cục bộ, mỗi nơi tổ chức theo một phương pháp, cách thức riêng, chính vì vậy mà hiệu quả mang lại chưa cao. Hiện nay có nhiều thư viện, phòng đọc sách cơ sở sau một thời gian hoạt động đã chững lại, không phát triển thêm được gì. Cá biệt có những thư viện chỉ sau khi ra mắt đã lại đóng cửa và thực tế chính là bệnh hình thức, chỉ mở cửa khi có cơ quan cấp trên đi kiểm tra.
Tương tự, theo Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An Dương Duy Tiến, hiện nay các mô hình thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, Tủ sách dòng họ, mô hình Tủ sách gia đình... đã và đang phát triển và có hiệu quả thiết thực. Song để các mô hình thư viện, tủ sách này duy trì và phát triển cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía.
Từ thực tế đó cho thấy, việc xã hội hóa công tác thư viện cần được đẩy mạnh, nhằm từng bước mang lại nguồn sinh khí mới cho phát triển văn hóa đọc.