Võ Nhai nỗ lực thoát nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tạo mọi điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... để phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Cây na đã giúp đồng bào dân tộc xã La Hiên, huyện Võ Nhai giảm nghèo, tiến tới làm giàu. Ảnh: nhandan.com.vn.
Theo ông Hoàng Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, thời gian qua, nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng với việc lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, huyện đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương như: Vùng trồng na ở 2 xã La Hiên và Lâu Thượng; vùng chuyên canh bưởi Tràng Xá; vùng trồng ổi, dứa tập trung tại xã Phú Thượng; trồng chuối xuất khẩu tại xã Nghinh Tường...
Hiện nay, tổng diện tích na của xã La Hiên lên tới hơn 230 ha. So với các vùng trồng na khác trong tỉnh, na La Hiên có quả to đều, vị ngọt đậm thơm, thanh, mát, ít hạt, vỏ mỏng. Chính các yếu tố đặc trưng này đã giúp quả na La Hiên luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Xã la Hiên hiện có 672 hộ trồng na, tập trung chủ yếu ở các xóm: Trúc Mai, Làng Lai, Hiên Bình, Hiên Minh, La Đồng…Nhờ cây na, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã La Hiên hiện chỉ còn dưới 9%. Nhiều hộ dân trong xã có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng mỗi năm từ cây na, đặc biệt có hộ thu nhập tới 400 triệu đồng /năm.
Còn vùng trồng chuối xuất khẩu tại Nghinh Tường, cũng ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo. Điển hình phải kể đến ông Hà Quốc Vượng, sinh năm 1964, người dân tộc Tày ở bản Chang, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) đã làm giàu và trở thành tỷ phú nơi vùng cao nhờ cây chuối. Với nguồn vốn ban đầu, ông tự mình tìm hiểu và đi học tập tại tỉnh Hưng Yên mô hình trồng chuối tây giống Thái Lan để xuất khẩu. Ông cũng về tận Quảng Ninh học cách trồng cây chè hoa vàng, chế biến hoa chè thành đồ uống có gía trị kinh tế cao. Sau những nỗ lực đó, đến nay, ông Vượng đã có 10 ha trồng chuối, 60 ha rừng keo, 10 ha trồng các loại cây dược liệu giá trị cao như: ba kích, chè hoa vàng, sâm châu… Hiện nay, dù đa phần diện tích rừng chưa đến tuổi thu hoạch nhưng mô hình kinh tế của ông đã đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh việc lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn để tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thời gian qua, huyện đã phối hợp giải quyết việc làm cho 600/1.000 lao động đạt 60% kế hoạch; mở được 8 lớp dạy nghề cho 240 học viên... phấn đấu đến hết năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 5,4%, tương ứng với gần 1.000 hộ; từng bước hạn chế tình trạng tái nghèo.
Để thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả, UBND huyện Võ Nhai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, kế hoạch giảm nghèo hằng năm. Huyện cũng kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia huyện. Cùng với đó, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về giảm nghèo như: Gắn Chương trình giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.