Miền Tây mùa nước nổi
Mùa nước nổi, còn gọi là mùa lũ sông Cửu Long thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Mùa nước nổi đem đến cho miền Tây Nam Bộ phù sa và nhiều loại thủy sản. Đây cũng là mùa “làm ăn” nhộn nhịp của bà con. Chỉ tiếc rằng, do biến đổi khí hậu và sự chặn nguồn từ thượng lưu sông Mê Kông nên những năm gần đây mùa nước nổi không còn được như xưa.
Hái bông điên điển.
1. Năm nay, người ta nói rằng, miền Tây “mất” mùa nước nổi. Gần cuối tháng 9 rồi mà nước từ thượng nguồn về vẫn ít lắm. Chưa bao giờ nước lại cần cho đồng bằng sông Cửu Long như bây giờ khi mà biến đổi khí hậu đang có những tác động rất xấu.
Miền Tây Nam Bộ chằng chịt kênh rạch, nhưng hầu như tất cả đều phụ thuộc vào mực nước sông Tiền, sông Hậu - đoạn cuối cùng của dòng Mê Kông trước khi đổ ra biển. Trước kia, mùa nước nổi bao giờ cũng đem tới sức sống mới, sự sinh động cho cả vùng châu thổ rộng lớn. Bồi đắp phù sa, đem tới lượng lớn thủy sản… mùa nước nổi chính là mùa mưu sinh của nhiều gia đình.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, mực nước ở các trạm thủy văn trên địa bàn trong tháng 7/2019 giảm xuống từ 0,5m - 2,9m so với cùng kỳ năm 2018. Còn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… mực nước sông không chỉ giảm mà còn có nguy cơ ô nhiễm hữu cơ, vi sinh do tác động từ nước thải, chất thải. Đáng chú ý , các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An nước rất thấp, người dân đợi lũ từng ngày. Những ngày vừa qua, về xã Thủy Tây (huyện Tân Thạnh) hay xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) dễ dàng nhận thấy những cánh đồng không còn ngập nước như mọi năm. Cũng không còn thấy cảnh người dân nhổ hẹ hoặc trồng sen, hay là đánh bắt cá.
Dọc theo bờ đê ở các xã vùng thấp như Vĩnh Đại, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi… của huyện Tân Hưng (cũng thuộc tỉnh Long An) cũng không thấy mấy người đi đánh bắt cá tôm, thi thoảng mới thấy có người giăng lưới, thả câu, người kéo lưới đặt dớm.
Còn tại tỉnh An Giang, lũ không về nên bà con cũng rất thấp thỏm, bồn chồn. Các xã tuyến biên giới như Phú Hội, Phú Hữu, Khánh Bình, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông… của huyện đầu nguồn An Phú không còn cảnh người dân phấn khởi, tất bật chuẩn bị câu, lưới chờ đánh bắt sản vật. Hoa điên điển cũng ít nở vàng và cá linh cũng không thấy bao nhiêu…
Mùa cá linh.
2. Đến miền Tây Nam Bộ mùa nước nổi, rất nhiều niềm vui lẫn sự bất ngờ. Nhưng có lẽ ấn tượng mạnh nhất chính là những bông điên điển nở vàng và những mẻ cá linh không nơi nào có được.
Cứ tới mùa nước nổi về, khắp dọc các mé sông, bờ đê trong vùng lại rợp màu vàng tươi của bông điên điển. Điên điển là loại cây mọc ở vùng đầm lầy, ven sông. Quanh những cánh đồng, con kênh ngập nước, hàng cây điên điển mọc xanh ươm, hoa của nó lại vàng tươi buông thành từng chùm. Theo người dân địa phương, thu hoạch bông điên điển thích hợp nhất là vào buổi chiều vì khi đó bông chỉ mới vừa hé nhụy, ăn sẽ ngon và tươi hơn các buổi khác trong ngày.
Là một loài hoa dại nhưng từ lâu điên điển đã là một thành tố hấp dẫn trong nghệ thuật ẩm thực Nam Bộ. Các món được làm từ bông điên điển không quá cầu kỳ, phức tạp khi chế biến nhưng mang lại một hương vị rất đặc trưng mà hầu như không có món ăn nào có được. Người ta có thể làm canh chua bông điên điển, gỏi bông điên điển, lẩu mắm nhúng bông điên điển, bánh xèo bông điên điển, bông điên điển xào tỏi… Trong đó, canh chua bông điên điển là món ăn nổi tiếng. Cá bỏ vào nồi nấu đến khi sôi lên, cho kèm chanh, ớt, đường, bột ngọt, muối nêm, tiếp đến là thả bông điên điển vào. Cá để nấu với điên điển có nhiều loại, nhưng thường bà con nấu với cá linh. Bông điên điển giòn, lại có vị bùi ngọt dịu; cá linh thì béo ngậy hòa quyện với vị chua thanh từ me, cay nồng từ ớt… tạo nên một món ăn đậm đà hương vị miền Tây.
Cùng với điên điển, cá linh chính là “điểm nhấn” trong mùa nước nổi. Người miền Tây gọi cá linh là “món quà” của lũ.
Tại sao lại gọi là cá linh? Có người giải thích rằng mùa nước nổi cá linh lúc đầu từ Biển Hồ (Campuchia) rồi theo con nước xuôi xuống sông Tiền, sông Hậu; sau đó lại quay về cố hương xứ chùa Tháp. Vì thế, được goi là “cá lên”, lâu ngày bà con đọc trại thành “cá linh”. Lại cũng có người nói rằng loài cá này có tánh linh đặc biệt. Sau một thời gian chu du khắp miền sông nước Cửu Long, đến ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch là chúng lại quay về nguồn cội. Đặc biệt năm nào vào thời điểm mùa nước nổi nhưng lại có những trận mưa liên miên thì chúng liền “hoãn lại chuyến đi”. Chính vì vậy mà dân gian mới gọi là “cá linh”. Còn theo cụ Vương Hồng Sển viết trong cuốn “Tự vị tiếng nói miền Nam” thì “cá linh, tên một giống cá nhỏ con, mùa nước đổ từ trên Nam Vang xuống, nhiều không biết cơ man nào mà nói”. Còn cụ Trịnh Hoài Đức, tác giả “Gia Định Thành thông chí” cho rằng “cá linh là một sản phẩm kinh tế quan trọng của Nam Bộ, đặc biệt dùng để ủ nước mắm hoặc làm mắm rất ngon”. Hằng năm, kể từ khi “tháng bảy cá nhảy khỏi bờ”, dọc theo hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu, nhất là Đồng Tháp Mười, Long An và vùng Tứ giác Long Xuyên, cá linh bắt đầu tràn về các kinh rạch, ao hồ, đồng ruộng không biết cơ man nào mà kể, tạo cho mùa nước nổi không khí sôi động khác thường. Với học giả Nguyễn Hiến Lê thì “tháng 10 là mùa cá linh, nó theo nước trên Cao Miên xuống, nhiều vô số kể. Tại phía trong trong miền Hồng Ngự nó lội đầy rạch, chỉ việc lấy thùng thiếc mà xúc”.
Năm nay, thiếu vắng mùa nước nổi, miền Tây Nam Bộ cũng ít màu vàng của bông điển điển và cũng ít những mẻ cá linh. Nhưng vẫn còn đó trong trí nhớ nhiều người vẫn là một miền Tây mùa nước nổi thật hào phóng, thật náo nhiệt mà không nơi nào có được…
Cứ tới mùa nước nổi, khắp dọc các mé sông, bờ đê miền Tây lại rợp màu vàng tươi của bông điên điển. Quanh những cánh đồng, con kênh ngập nước, hàng cây điên điển mọc xanh ươm, hoa của nó màu vàng tươi buông thành từng chùm. Và khi điên điển trổ hoa thì cũng là lúc cá linh xuôi theo dòng nước. Người miền Tây gọi cá linh là “món quà” của lũ. Hằng năm, kể từ khi “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, dọc theo hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu, nhất là Đồng Tháp Mười, Long An và vùng Tứ giác Long Xuyên, cá linh tràn về các kinh rạch, ao hồ, đồng ruộng không biết cơ man nào mà kể, tạo cho mùa nước nổi không khí sôi động khác thường.