Trung Quốc khánh thành siêu sân bay 12 tỷ USD
Mới đây, Trung Quốc đã chính thức khai trương Sân bay quốc tế Daxing (Đại Hưng) ở phía Nam thủ đô Bắc Kinh. Sân bay có hình dáng như sao biển và có nhà ga kích thước lớn nhất thế giới. Tổng chi phí dành cho dự án này lên tới 12 tỷ USD.
Hình dáng 5 cánh giống con sao biển của siêu sân bay Daxing. (Nguồn: Reuters).
Dự án 12 tỷ USD
Sân bay quốc tế Daxing (PKX) trước đó được dự kiến đi vào hoạt động ngày 20/9 nhưng sau lui lại tới ngày 25/9 - theo giới truyền thông Trung Quốc. Bên thuê chính của sân bay này là Hãng China Southern triển khai một chiếc Airbus A380, mẫu máy bay thương mại lớn nhất thế giới, để thực hiện chuyến bay quốc tế đầu tiên.
Siêu sân bay quốc tế mới xuất hiện trong một kỷ nguyên mới đối với di chuyển đường không khi đến và khi xuất phát từ thủ đô của Trung Quốc, hiện đang phải tiếp nhận lượng khách khổng lồ và cần có thêm một cửa ngõ toàn cầu thứ hai. Được biết, khả năng tiếp nhận khách của sân bay quốc tế Bắc Kinh (PEK) đã tới hạn, khiến nó gần như không thể nhận thêm các chuyến bay.
Năm 2018, có tới hơn 100 triệu du khách đã tới sân bay quốc tế Bắc Kinh - khiến nó trở thành sân bay lớn thứ hai trên thế giới xét về lưu lượng khách, chỉ sau sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta. Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022.
Sân bay Daxing - dự án có vốn đầu tư gần 12 tỷ USD - được thiết kế bởi cố kiến trúc sư Zaha Hadid và những người đồng nghiệp Trung Quốc của bà - được xây dựng vì các mục tiêu tương lai. Nó gồm 4 đường băng và một sảnh chính có kích cỡ tương đương 97 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế trong giai đoạn hoạt động đầu tiên. Sân bay cũng được trang bị nhiều robot phục vụ hành khách, cung cấp thông tin cập nhật về các chuyến bay và về sân bay.
Mục tiêu vận hành ban đầu của sân bay này là tiếp nhận khoảng 72 triệu hành khách và khoảng 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, tính đến thời điểm năm 2025. Kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền Bắc Kinh tiếp đến là xây dựng tổng cộng 7 đường băng ở Daxing, tiếp nhận khoảng 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng mỗi năm.
Việc khởi công xây dựng dự án gần 12 tỷ USD này đã bắt đầu từ năm 2014, với sự tham gia của hơn 40.000 công nhân xây dựng trong thời điểm bận rộn nhất. Sảnh chính của sân bay mang đầy đủ những dấu ấn của kiến trúc sư Hadid với nhiều đường viền trang trí, rất nhiều ánh sáng tự nhiên chiếu qua 8.000 ô cửa sổ trên mái.
Áp dụng công nghệ tương lai
Được giới truyền thông Trung Quốc đặt biệt danh là “Con sao biển” vì bao gồm 5 cánh liên kết với khu sảnh chính, sân bay Daxing được thiết kế nhằm giảm thời gian đi lại của hành khách, bởi từ lâu việc di chuyển đầy mệt mỏi trong các siêu sân bay đã là một vấn đề của ngành hàng không. Cơ quan quản lý sân bay từng hứa hẹn rằng khoảng cách giữa các cổng an ninh với cửa xa nhất chỉ khoảng 600 m - tức chỉ mất 8 phút đi bộ.
Một số hành khách thì lo lắng về vị trí của sân bay Daxing. Nó nằm ở phía Nam thủ đô Bắc Kinh, một thành phố nổi tiếng là hay tắc đường. Sân bay mới cách Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm Bắc Kinh, khoảng 50 km, tức rất xa so với các quận thương mại chính ở phía Đông và phía Bắc thành phố thủ đô.
Gạt đi những quan ngại này, giới chức Bắc Kinh nói rằng không chỉ riêng sân bay này, họ còn xây dựng thêm hẳn một hệ thống đường cao tốc liên kết với nhiều thành phố và dẫn tới ngay sảnh chính của sân bay. Một hệ thống tàu hỏa siêu tốc có vận tốc lên tới 160 km/giờ cũng dự kiến được kết nối tới sân bay mới, giúp cho hành khách tới sân bay này trong vòng chưa đầy 20 phút.
Nhiều người khác lại lo ngại rằng sân bay mới sẽ vẫn gặp phải tình trạng trễ chuyến, vốn là tình trạng xảy ra thường xuyên ở sân bay quốc tế Bắc Kinh. Giới chức hàng không nước này thì tin rằng sân bay Daxing sẽ giảm thiểu được tình trạng đó nhờ vào đường băng đa chiều giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của sân bay.
Sân bay Daxing còn ứng dụng những công nghệ hiện đại như robot phục vụ hành khách, định vị hành lý ký gửi, ứng dụng nhận diện khuôn mặt làm thủ tục hay bãi đỗ xe công nghệ cao, khẳng định sẽ là sân bay của tương lai. Với công nghệ nhận diện khuôn mặt, hành khách quên giấy tờ cá nhân vẫn có thể lên máy bay.