Nhà ở cho công nhân
Các địa phương cần quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng - thông điệp nhắc nhở của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hôm 25/9 vừa qua đã làm cho những công nhân, người lao động thêm phần hy vọng. Bởi thực tế, vấn đề nhà ở trong cuộc sống khó khăn của công nhân, người lao động đã và đang là vấn đề nóng đặt ra nhiều năm qua.
Có được một nơi ở, căn nhà, căn hộ dù chỉ 20, 30 m2 cũng đã là mơ ước của nhiều người. Ảnh: Tl.
Khỏi phải bàn về những khó khăn của công nhân, người lao động trong những năm gần đây. Tình trạng nhiều “không” trong đó có không nhà đã là sự hiển nhiên, gắn với nhiều công nhân, người lao động. Việc sống chen chúc, ngột ngạt trong các căn phòng chật hẹp ở các khu nhà trọ thiếu thốn tiện nghi đã là chuyện hàng ngày với các công nhân. Có được một nơi ở, căn nhà, căn hộ dù chỉ 20, 30 m2 cũng đã là mơ ước của nhiều người.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đa số công nhân lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất là người ngoại tỉnh, nhưng nhà ở cho công nhân, người lao động chỉ đáp ứng được khoảng 28%, tức còn khoảng 72% trong khoảng 4,8 triệu công nhân, người lao động hiện nay khó khăn về nhà ở. Thành phố lớn nhất nước như TP Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp, một khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp thu hút hơn 370 ngàn công nhân làm việc, nhưng các dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân của thành phố cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Thậm chí có tỉnh như Long An chỉ đạt 2-3 %.
Từ sự quan tâm quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị, cơ quan liên quan, đến nay hơn 100 dự án nhà ở công nhân, quy mô hơn 41.000 căn nhà bố trí cho khoảng 330 ngàn công nhân, người lao động đã hoàn thành. Nhưng con số trên cũng mới chỉ đáp ứng trong khoảng con số 28% đã nêu. Còn như với con số 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với quy mô khoảng 182.000 căn sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu ở của công nhân, nhưng oái oăm thay việc triển khai rất chậm, nhiều dự án tạm dừng thi công. Không ít dự án chủ đầu tư đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại.
Thực hiện Quyết định 665 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã nhanh chóng triển khai Đề án chính sách, chăm lo nhà ở cho công nhân. Theo đó, các thiết chế công đoàn và các chính sách liên quan được xây dựng với các hạng mục công trình như các khối chung cư nhà ở, nhà văn hoá đa năng, quảng trường trung tâm, siêu thị, nhà trẻ, nhà thuốc.v.v. Dự kiến giai đoạn 2017-2020, có 50 thiết chế công đoàn sẽ được hoàn thiện. Phấn đấu đến năm 2030, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn. Tuy nhiên việc thực hiện cũng đã gặp không ít khó khăn. Dự án thiết chế công đoàn tại Hà Nam là dự án thiết chế được triển khai thí điểm đầu tiên, nhưng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2019 mới có thể có căn hộ đầu tiên giao cho đoàn viên công đoàn. Còn rất nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách như cơ chế giao đất, chủ thể ký hợp đồng cho thuê, bán căn hộ, hay khó khăn về nguồn vốn…
Tại cuộc làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu tâm các địa phương về chính sách đặc biệt cho các công nhân, người lao động. Thông cảm với những khó khăn của công nhân, người lao động; trong đó có tình trạng các doanh nghiệp còn trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT..., Thủ tướng lưu tâm cùng với việc quan tâm đến các chính sách chăm lo cho công nhân, người lao động, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Yêu cầu Tổng Liên đoàn làm việc các địa phương liên quan thống nhất quỹ đất, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư thiết chế công đoàn; cùng các cơ quan giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc…
Nhu cầu có nhà ở để an cư lạc nghiệp là nhu cầu thiết yếu của con người. Công nhân, người lao động, những con người trực tiếp làm ra của cải cho xã hội, việc có nhà ở là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, thực tế hiện với thu nhập của họ rất thấp, đa số còn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, nói gì đến việc mua nhà cửa. Và như vậy, việc quan tâm để cho công nhân được thuê nhà giá rẻ, mua nhà giá rẻ cần phải được đặc biệt quan tâm, với các chính sách đặc thù, ưu tiên.
Đảng, Nhà nước đã có những chính sách để giải quyết vấn đề nhà ở công nhân. Luật Nhà ở năm 2014; Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội; Thông tư số 20/2016/TT-BXD quy định về phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân; Chỉ thị 03/CT-Ttg ngày 25/1/2017 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 655/QĐ-Ttg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…để đẩy mạnh việc giải quyết nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên với những khó khăn như đã nêu, bên cạnh sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ còn rất cần các giải pháp tích cực, như phải coi việc phát triển nhà ở xã hội như chỉ tiêu phát triển, phải có quy hoạch cụ thể, dành quỹ đất, nguồn vốn…đồng thời phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục với những đặc thù ưu tiên…thì vấn đề giải quyết chỗ ở cho công nhân mới thực sự có bước tiến triển.