Thi THPT quốc gia trên máy tính: Nên thí điểm trước khi chính thức áp dụng
Thông tin về đề xuất của Bộ GDĐT xung quanh việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT quốc gia sau năm 2020, trong đó có việc thi trên máy tính đang thu hút sự quan tâm từ dư luận. Nhiều quan điểm cho rằng việc trang bị máy tính cho tất cả các trường học trên cả nước đã là một bài toán, nhưng yêu cầu đặt ra quan trọng hơn là học sinh phải được học/thực hành trên máy tính thuần thục rồi mới có thể tổ chức thi THPT quốc gia đại trà bằng máy tính.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Quang Vinh.
Cần được thí điểm
Tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 vừa rồi, sau khi nghe Bộ GDĐT trình bày đề xuất về đổi mới thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Việc xây dựng phương án thi THPT sau năm 2020 cần chắn chắn nhưng phải rất tích cực, khẩn trương. Theo đó, việc thi trên máy tính với tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho các cháu, không có chuyện các cháu chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc hay dùng loại máy tính này nhưng thi trên loại máy tính khác.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GDĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hoá, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không vì lý do này mà trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính.
Về việc tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính, nhiều chuyên gia đề nghị trong phương án thi THPT sau năm 2020, Bộ GDĐT phải nêu rõ lộ trình các bước triển khai hình thức thi trên máy tính. GS.TS Phạm Tất Dong, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đồng ý với phương án đổi mới thi của Bộ GDĐT đưa ra. Theo ông, giáo dục số hóa mang tính mở, hoàn toàn có thể thi theo hình thức trên máy tính là thi xong có kết quả ngay. Tuy nhiên, phải chuẩn bị lộ trình, thí điểm từ bây giờ để 3 năm nữa triển khai trên toàn quốc.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với việc áp dụng hình thức thi này, TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng hình thức thi trên máy tính cần thí điểm ở một số nơi đủ điều kiện, học sinh đã được làm quen. Sau đó ngành giáo dục tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, trước khi mở rộng. Nếu chúng ta không bắt đầu ngay từ bây giờ thì sẽ muộn.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng chỉ khi nào có thí điểm và tổng kết xây dựng lộ trình mới nên triển khai thi trên máy tính ở diện rộng. Theo ông Minh, cần nghiên cứu về hình thức thi trên máy tính để phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, cũng như tác động đến người học, nguồn nhân lực trong tương lai bởi thi cử liên quan trực tiếp người dân.
Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, những năm qua dù áp dụng công nghệ rất nhiều, nhưng cũng không nên duy ý chí bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính thì phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy. Mục tiêu lớn nhất của kỳ thi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, phụ huynh.
Sớm chuẩn hóa ngân hàng đề thi
GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới nhấn mạnh chương trình mới chuyển cách dạy từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Vì vậy việc hoàn thiện kỳ thi THPT hết sức cần thiết, đặc biệt là khâu ra đề thi, ngân hàng câu hỏi.
Ông Lê Đông Phương- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhất trí với đề xuất phương án thi của Bộ là cần phải có điều chỉnh thi trên giấy sang máy tính, việc này phải làm sớm. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đến năm 2025 chưa thể thi máy hóa tuyệt đối thì vẫn cần có phương án thi trên giấy. Theo ông Phương, ngân hàng đề thi là vấn đề khó nhất, kiểm định độ khó và tin cậy của câu hỏi rất phức tạp. Đây là vấn đề trọng tâm, Bộ GDĐT cần đầu tư thêm nhiều nữa, trước khi chuẩn hóa đưa vào triển khai. Bên cạnh đó, nếu học hết lớp 12 không thi có giấy chứng nhận, giấy chứng nhận này mở con đường nào cho các em. Vấn đề này cân nhắc kỹ, nếu không sau này còn tranh cãi.
Trước những băn khoăn nói trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, phương án thi giai đoạn 2021-2025 là kết hợp thi trên giấy và máy tính, nhưng sẽ thi trên máy tính nhiều hơn. Bộ sẽ tăng cường ngân hàng câu hỏi đề thi, tăng cường hạ tầng cơ sở. Các trường ĐH, trường phổ thông có điều kiện thì nên phối hợp với doanh nghiệp để chuẩn bị về phần kỹ thuật. Bộ kiểm soát chất lượng thi để giữa thi trên máy hay trên giấy chỉ là vấn đề hình thức lựa chọn, không phải là hai nội dung khác nhau.
Theo ông Nhạ, việc thi trên giấy hay trên máy tính cũng chỉ là hình thức thi. Không máy móc nào thay thế được con người, đội ngũ khảo thí không được chuẩn bị tâm thế tốt, công nghệ tốt mà không quản lý tốt cũng khó thành công. Tới đây, Bộ sẽ rà soát, tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí trên cả nước. Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ từng bước chuẩn bị và tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện phương án thi tốt nhất.
Về phương án thi sau năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GDĐT phải chuẩn bị kỹ phương án, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Trong tháng 7/2020, Bộ GDĐT phải phấn đấu công bố phương án thi năm 2021.