Tăng trưởng tín dụng xanh
Hiện nay nhiều ngân hàng bắt đầu mở ra các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, triển khai các dự án xanh. Tăng trưởng tín dụng xanh đang được chú trọng.
Bà Hoàng Thị Phương Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tăng trưởng xanh là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hướng tới phát triển bền vững. Đối với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam, vấn đề tăng trưởng gắn với phát triển sâu, rộng và bền vững là vấn đề có tính cấp thiết. Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đồng thời cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Dữ liệu của NHNN cho biết tài chính xanh ở Việt Nam đang dần hình thành và hệ thống tài chính đã có những tham gia tích cực vào chiến dịch xanh hóa nền kinh tế.
Các con số đầu tư tài chính trong ngành tài chính xanh của lĩnh vực ngân hàng cũng hết sức khả quan. Tính đến quý I/2019, đã có 20 tổ chức tín dụng cho vay tín dụng xanh với dư nợ 242.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018, trong đó cho vay trung dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn là 54.000 tỷ đồng. Đối tượng cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 131.000 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực quản lý bền vững đô thị là 31.000 tỷ đồng, cho vay lâm nghiệp bền vững là 13.600 tỷ đồng, cho vay năng lượng tái tạo mới đạt trên 8.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều chú trọng đến yếu tố “xanh” nhiều hơn trong hoạt động cấp tín dụng. Thậm chí, một số ngân hàng gắn tính “xanh” vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển dài hạn của mình.
Chẳng hạn, Sacombank triển khai gói cho vay hạn mức tối đa 500 triệu đồng, lãi suất giảm 1% so với lãi suất hiện hành, thời hạn vay tối đa 60 tháng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua thiết bị điện năng lượng mặt trời phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và kinh doanh sản xuất.
BIDV cũng đã phối hợp với Cty CP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) hỗ trợ cho các hộ gia đình (trong liên kết của SolarBK) vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với thời hạn 12 – 36 tháng, lãi suất 10%/năm để đầu tư hệ thống sản xuất điện mặt trời.
Còn HDBank cho vay với DN đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà, tỷ lệ vay lên đến 70%, thời hạn cho vay 5 năm. Vietcombank tham gia tài trợ một số dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như các thủy điện nhỏ và vừa, dự án nhiệt điện sinh thái, dự án điện năng lượng mặt trời.
Nhưng cùng với những tín hiệu bước đầu khởi sắc trong ngành tài chính xanh, Việt Nam cũng nhận thức được nhiều thách thức và rủi ro tiềm ẩn đối với lĩnh vực này như bảng cân đối tài sản của các ngân hàng chủ yếu được hình thành từ luồng vốn ngắn hạn nên thiếu vốn trung và dài hạn đầu tư cho các dự án xanh, nền kinh tế thiếu các kênh huy động vốn trung và dài hạn để hỗ trợ cho tài chính xanh…; khó khăn trong việc kiểm soát kết quả đầu ra của các dự án xanh cũng như trong việc thẩm định, đánh giá tính chất “tín dụng xanh” của các dự án đề xuất. Những hạn chế này đang trở thành những rào cản đối với sự phát triển của ngành tín dụng xanh ở Việt Nam
Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng dù đẩy mạnh cho vay “tín dụng xanh” với giá ưu đãi, song không phải dự án nào có yếu tố “xanh” cũng được cấp tín dụng. Đối với DN, các dự án phải chứng minh được tính hiệu quả, minh bạch thông tin, kinh doanh có lợi nhuận, có kinh nghiệm trong lĩnh vự công nghệ “xanh” tối thiểu một năm, đặc biệt phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Đối với cá nhân, phải chứng minh được năng lực tài chính, có hồ sơ “sạch”, không có nợ xấu tại ngân hàng.