Lý Nam Đế - Vạn Xuân, cột mốc tự hào Đại Việt

Phùng Văn Khai 27/09/2019 14:44

Trong tiến trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta, có một vương triều thiết lập một quốc gia độc lập, tự chủ - vương triều Tiền Lý (544-602) với bốn đời vua: Lý Nam Đế (544-548), Lý Đào Lang Vương (550-555), Triệu Việt Vương (548-571) và Hậu Lý Nam Đế (571-602). Lý Nam Đế là người đầu tiên trong lịch sử nước nhà xưng đế hiệu, cũng là người đầu tiên đặt tên nước là Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức…

Lý Nam Đế - Vạn Xuân, cột mốc tự hào Đại Việt

Tranh thờ Lý Nam Đế và Hoàng hậu Đỗ Thị Khương tại miếu Hai Thôn, Thái Bình.

Đã gần mười lăm thế kỷ, chùa Trấn Quốc kia còn đó, tên nước Vạn Xuân còn đó, sử sách còn ghi: Mùa xuân, tháng Giêng năm Giáp Tý (544), vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi lập trăm quan, dựng nước Vạn Xuân, mong cho xã tắc truyền đến muôn đời (“Đại Việt Sử ký Toàn thư”). Đây có thể khẳng định là một cột mốc lớn của lịch sử dân tộc Đại Việt vốn bi hùng và có không ít khúc chịu thiệt thòi do những yếu tố chủ quan và khách quan từ thượng cổ.

Tại sao một vị hoàng đế sáng nghiệp Đại Việt ngay từ thế kỷ VI như Lý Nam Đế mà sau này các sử gia lại biên chép khá sơ sài trong khi Lương sử, Trần sử, Tùy sử... đều nhiều lần nhắc đến ông? Sự nghiệp đánh giặc cứu nước giành độc lập dân tộc của Lý Nam Đế cùng các vị tướng tài như Phạm Tu, Triệu Túc, Tinh Thiều, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa… được nhân dân tôn thờ cùng hàng loạt các tù trưởng, huyện lệnh, hương trưởng người Giao Châu theo Lý Bí khởi nghĩa khi ấy được sách sử biên chép quá sơ khoáng khiến người đời sau ít có tư liệu để noi gương sáng các bậc tiền nhân lập quốc.

Từ suy nghĩ ấy, chúng tôi lần giở trang sử cũ, đi điền dã các đình chùa miếu mạo các tỉnh phía Bắc, miền Trung, tìm vào trong chốn dã sử, huyền tích dân gian để làm rõ sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm của Lý Nam Đế, sự nghiệp lập nước Vạn Xuân của vị hoàng đế đầu tiên vốn xuất thân chốn thiền môn mà rạng danh dân tộc.

Nước ta khi ấy thuộc sự độ hộ của nhà Lương. Lương Vũ Đế - làm vua 47 năm, thọ trên 80 tuổi, là một bậc đa mưu vũ dũng, nam chinh bắc chiến và rất giỏi bang giao, nội trị, - từng nhiều lần đánh bại các nước Nam Tề, Tây Ngụy, Bắc Ngụy, Thổ Dục Hồn, Nhu Nhiên… độc bá Trung Nguyên, gây dựng nền móng đế chế Đại Lương với hùng binh trăm vạn, chiến tướng trăm viên. Ông là một trong những hoàng đế lừng lẫy nhất của lịch sử Trung Quốc. Vậy mà Lý Nam Đế cùng các bộ tướng đã dám giương cao cờ nghĩa, giành lại độc lập dân tộc, triều định trăm quan, lên ngôi hoàng đế, rõ ràng là một cột mốc chói lọi trong lịch sử Đại Việt chúng ta.

Không chỉ xưng đế lập quốc, Lý Nam Đế còn tổ chức binh tướng sử dụng đại kế Tiên phát chế nhân, giao cho các tướng hành binh sang tận Hợp Phố đánh bại quan quân nhà Lương đang tập hợp ở đây để hòng một lần nữa xâm chiếm Giao Châu. Hành động quân sự này của Lý Nam Đế cùng các tướng, tính cho đến thời điểm đó, quả là chưa từng có. Nó cho thấy tầm vóc và cả tầm nhìn xa rộng của Lý Nam Đế. Nó cho thấy hùng tâm tráng chí của người phương Nam vốn không bao giờ chịu khuất phục các triều đại phương Bắc.

Khi được cử làm Giám quân ở châu Cửu Đức, Lý Nam Đế đã sớm hoạch định việc giương cao cờ nghĩa giành độc lập dân tộc, đặc biệt là việc cố kết tinh thần yêu nước của các bậc anh hùng nghĩa sĩ trong toàn cõi Giao Châu. Ý thức tự lực tự cường của Lý Nam Đế cùng các bộ tướng đã trở thành phương lược chính yếu khi chỉ huy ba quân thủy bộ hợp vây thành Long Biên, truy bức Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư cùng đám quan văn võ người phương Bắc phải về nước chúng. Khi không chịu được nhục thua trận, Lương Vũ Đế vội vã xuống chiếu lệnh cho các Thứ sử Việt Châu, La Châu, An Châu, Ái Châu tiến binh hòng dẹp đi nhà nước tự chủ non trẻ của người phương Nam. Dẫu vậy, Lý Nam Đế cùng các tướng đã nhận rõ mưu mô thâm hiểm của đối phương, anh dũng quả đoán, tập hợp binh lương thủy bộ, đánh thẳng sang Hợp Phố, tiêu diệt sào huyệt các tướng Lương triều, gây chấn động kinh đô Kiến Khang, buộc Lương Vũ Đế phải bày tính kế khác.

Lương Vũ Đế vốn dòng dõi Tiêu thị -Thừa tướng Tiêu Hà nhà Hán ngày trước đã một mặt tiếp tục chuẩn bị binh thuyền chiến giáp xuống phương Nam, một mặt xúi giục nước vua tôi nước Lâm Ấp động binh phía Nam hòng hai mặt kìm hợp, bao vây triều đình Vạn Xuân non trẻ.

Đứng trước việc hai đầu thọ địch, Lý Nam Đế cùng các tướng họp bàn đại sự, coi đây là cơ hội để người Giao Châu tự chủ, trưởng thành nên đã chủ động xuất đại binh, giao cho lão tướng Phạm Tu làm chủ soái, các đại tướng Lý Thiên Bảo, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa, Trịnh Đô, Lý Công Tuấn, Lý Phục Man chia theo hai đường thủy bộ đánh quân Lâm Ấp.

Quân Lâm Ấp vốn đã phạm vào đại kỵ, nghe lời xúi bẩy của Lương triều mà cất quân bất nghĩa xâm phạm Giao Châu quả là chưa ra binh đã tất bại. Danh tướng Phạm Tu từng nhiều lần chinh chiến chém tướng chặt cờ phá vỡ thành Long Biên cùng Lý Nam Đế dựng đại nghiệp trong công cuộc hành binh phương Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ một trận phá tan giặc Lâm Ấp, suýt bắt sống vua chúng, đem về hơn năm ngàn tù binh cùng một trăm thớt voi, hai trăm chiến thuyền. Thanh thế binh tướng Vạn Xuân càng lên cao.

Sau khi đại thắng Lâm Ấp, lão tướng Phạm Tu cùng binh tướng trở về, đó cũng là lúc Lý Nam Đế chính thức kiện toàn nhà nước Vạn Xuân, xây dựng thành trì, sửa sang phép nước, mở ra một thời kỳ mới mẻ chưa từng có trong lịch sử Đại Việt. Vốn từng theo học thiền pháp, từ nhỏ mồ côi được các sư phụ trong chùa Cổ Pháp rèn dạy trưởng thành, tiếp đó là cả một quãng dài làm Giám quân ở châu Cửu Đức đã rõ mọi cơ hàn thống khổ của binh lính, dân chúng toàn cõi Giao Châu, nên khi Lý Nam Đế lập nước trị quốc đã luôn đặt chữ Thiện, chữ Đức lên đầu. Không phải ngẫu nhiên ngay buổi đầu lập nước, Lý Nam Đế đã cho xây dựng chùa Trấn Quốc, hoằng dương phật pháp, khai mở thiện tâm của chúng dân. Bản thân Lý Nam Đế tinh thông đạo Phật, Phật tính rất cao, mà bách quan trong triều Vạn Xuân nhiều người đều lấy đạo Phật làm gốc nước. Các chùa chiền vùng Luy Lâu, Cổ Loa, Long Uyên, Câu Lậu, Chu Diên, Vũ Bình, Căn Linh, Phong Khê, Phạm Tín, Gia Hưng, Ngô Định, Phong Sơn thuộc các quận Tống Bình, Vũ Bình, Tân Xương, Ninh Hải… và mọi đình miếu đều được sửa sang hương khói, khiến nhân tâm trong vùng theo về cửa Phật ngày càng đông. Đó chính là cái gốc vững bền của nước được khởi nguồn từ căn thiện nơi cửa chùa vậy.

Lý Nam Đế với cột mốc xây dựng nhà nước Vạn Xuân là một tất yếu lịch sử của tinh thần quật cường dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước cường quyền phương Bắc, tự khẳng định mình bằng đức độ, tài năng bẩm sinh, trường tồn của con người Lạc Việt. Nhân đây, chúng tôi cũng xin được nói thêm rằng, do sử sách phương Bắc nhiều khi mập mờ đánh lận con đen khiến lịch sử Đại Việt đã có nhiều khoảng trống. Ngay như việc sau này, ở năm 938, Giao vương Lưu Hoằng Tháo - con trai của Hán đế Lưu Cung - vâng mệnh vua cha xuống phương Nam hòng làm chủ Giao Châu. Cha con họ Lưu tự phong vương tước cho nhau đã là một nực cười trong lịch sử. Giao vương Lưu Hoằng Tháo binh bại mạng vong tại cửa sông Bạch Đằng dưới kiếm lệnh của Ngô Vương Quyền là một vết nhơ khôn rửa, một bằng chứng hùng hồn của đám vua chúa kiêu mạn phương Bắc. Nào đã xuống được Giao Châu mà đã sớm phong cho nhau quan tước, để đến nỗi thân nằm trong bụng cá. Hẳn là trước đó, các triều đại phong kiến phương Bắc cũng thường phân phong càn rỡ như vậy. Và cái ý của nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường cho rằng: chưa chắc đã có ngàn năm Bắc thuộc mà chỉ là Bắc thuộc trên giấy của bọn vua quan phương Bắc mà thôi. Người Lạc Việt chúng ta đời đời tự chủ, nối nhau làm chủ ngôi nước của mình thông suốt từ thời mười tám đời vua Hùng Vương cho tới mãi sau này. Người Lạc Việt có triều chính, quốc hiệu, lễ nghi trên dưới; lại có phong tục tập quán, tiếng nói chữ viết hoàn toàn riêng biệt với đám người phương Bắc. Điều này đã vững vàng tồn tại cho tới tận hôm nay.

Lý Nam Đế -Vạn Xuân, một cột mốc vô cùng đáng tự hào trong lịch sử Đại Việt rất cần được các sử gia, nhà nghiên cứu lịch sử, các chính trị gia, các nhà văn hóa, nhà dân tộc học, nhà văn, nhà báo chân chính cùng nhau làm sáng tỏ và khẳng định bằng tất cả các loại hình mới là điều cần làm hôm nay.

Đất nước chúng ta đang phát triển rất sôi động, nhưng dường như ở mặt lịch sử lại quá tĩnh lặng không biết bởi do đâu. Chúng ta, những bậc hậu nhân trong thời đại Hồ Chí Minh, lẽ nào mãi lặng im không chung tay góp sức, bằng trái tim và trí tuệ của mình, góp phần vào làm rạng danh hơn nữa, cũng là lẽ công bằng hơn nữa với người có công với nước.

Phùng Văn Khai