Họa sĩ Tô Chiêm: Cổ tích kể lại bằng thơ
"Tôi thích ví truyện cổ tích như rau xanh, một món ăn mà trẻ con bây giờ không khoái khẩu. Vậy nhiệm vụ còn lại là của người lớn phải chế biến nó thành món mà trẻ em ưa thích", Họa sĩ Tô Chiêm.
1. “Tôi là họa sĩ được đào tạo về Đồ họa tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ra trường năm 1991. Những năm đó kiếm việc rất khó, may mắn với tôi là được gặp họa sĩ Phạm Quang Vinh, lúc đó anh là họa sĩ của NXB Kim Đồng và được anh mời làm cộng tác viên. Tôi còn nhớ cuốn sách đầu tiên tôi được vẽ bìa và minh họa là cuốn “Con gà quạ tha” của tác giả Cù Phương Dung - cuốn sách được giải của NXB Kim Đồng trong đợt vận động sáng tác gần nhất. Sau đó một thời gian, tôi được tham gia đội ngũ cán bộ cơ hữu của NXB, lúc đó thật là hạnh phúc với tôi.
Năm 2007, nhân dịp 50 năm thành lập NXB, Ban Giám đốc quyết định làm “Nhà xuất bản Kim Đồng – 50 năm với Mỹ thuật cho thiếu nhi”, tôi được giao nhiệm vụ tìm tư liệu, xây dựng bản thảo. Nội dung của cuốn sách trải dài từ những năm đầu tiên, khi sách Kim Đồng chỉ là một phần nhỏ của NXB Văn Nghệ in trong chiến khu từ năm 1951 kéo dài cho tới 50 năm sau. Rất may mắn cho tôi, lúc đó các họa sĩ thời kỳ đầu của NXB như bác Thy Ngọc vẫn còn sống, chú Nguyễn Phú Kim cũng đang mạnh khỏe nên tôi được các bác, các chú giúp đỡ khá nhiều. Tư liệu lưu không đủ, phải tìm kiếm rất mất nhiều công sức, cuối cùng cuốn sách cũng hoàn thành với cố gắng của toàn ekip… Một cuốn sách với trên 450 họa sĩ thuộc 5 thế hệ với các tác phẩm chính của họ…
2. Tôi nghĩ rằng trẻ em hôm nay được nhiều thứ mà trẻ em trước đây không có, nhưng chúng cũng không có nhiều thứ mà bây giờ không còn. Trẻ em giờ đẹp hơn, xinh hơn, biết nhiều thứ hơn trẻ xưa… thậm chí chúng còn dậy thì sớm hơn trẻ em xưa.
Theo quan sát của tôi, có lẽ với trẻ em từ 4 - 5 tuổi đến 8 tuổi thì còn thích cổ tích, còn sau đó các cháu ít quan tâm hơn. Tôi cảm giác biên độ tuổi đã bị thu hẹp so với trẻ em trước đây… Chưa có nghiên cứu nào về hiện tượng này, nhưng tôi tự lý giải thì một phần do sự phát triển tâm sinh lý của các em quá nhanh, những gì không “có tính hiện thực”, “không tồn tại trong đời sống” thì chúng không quan tâm… Phải chăng đời sống hiện đại với nhịp sống khẩn trương đã làm mất đi sự tưởng tượng, lãng mạn của các em?
Trẻ em ngày nay được làm quen nhiều với các thể loại giải trí, từ truyền hình, game, phim ảnh, sách báo… nó giống như một mâm cơm ngồn ngộn protein. Nếu không khéo điều tiết các cháu sẽ bị bội thực và ngộ độc thức ăn. Vai trò của người lớn - đã có kinh nghiệm và tri thức - là biết gia giảm, điều tiết những món ăn tinh thần kia cho các cháu sao có ích nhất.
Tôi thích ví truyện cổ tích như rau xanh, một món ăn mà trẻ con bây giờ không khoái khẩu. Vậy nhiệm vụ còn lại là của người lớn phải chế biến nó thành món mà trẻ em ưa thích. Trước đây, cổ tích đã được vẽ thành tranh truyện manga, comic, thành phim hoạt họa… Vậy sao giờ ta không chế biến thành game cổ tích cho các con thích thú sử dụng? Ở một số nước phát triển mỗi cuốn sách cổ tích họ bán kèm những con búp bê mô phỏng nhân vật nhỏ xinh, đó cũng là để trẻ có thêm niềm yêu thích với cổ tích.
Một ý nữa, truyện cổ tích được xuất hiện và truyền tụng trong dân gian ta lâu lắm, nó phản ánh ước mơ của con người khi đó, nhưng có những ước mơ như đủ ăn, đủ mặc, có nhà có cửa thì giờ đã lạc hậu, vậy sao những nhà văn, những người cầm bút không viết cổ tích mới… Tôi nghĩ nếu có được một dòng cổ tích mới hay thì trẻ em sẽ vẫn yêu cổ tích. Trẻ em luôn yêu cái mới, cái chuyển động, chẳng nhẽ cổ tích lại đứng yên để trẻ em rời xa?
3. “Với kinh nghiệm làm sách cho thiếu nhi, tôi thấy rằng: trước đây vẽ cho thiếu nhi thích phải có cách vẽ giản dị, mầu sắc tươi sáng, nhưng giờ đây các em thích những cách vẽ nuột nà, nhân vật đẹp bóng bẩy… theo kiểu truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này nhiều phụ huynh và một số nhà giáo dục không thích, nhưng tôi nghĩ đó là một sự chuyển tiếp trong thị hiếu của các em (do sự tác động của rất nhiều yếu tố như phim Hàn Quốc trên tivi chẳng hạn) và rồi dần nó sẽ qua… Người lớn cần phải tạo ra sự cân bằng giữa mỹ cảm thị hiếu và mỹ cảm chuẩn mực trong những tác phẩm, ấn phẩm của mình.
Còn về chữ, tôi nghĩ người làm sách có kinh nghiệm sẽ tùy từng độ tuổi để cho các em không phải quá vất vả khi đọc sách.
Trong 5 năm gần đây, sự đổi mới cơ bản của NXB Kim Đồng là tập trung đầu tư vào mảng sách ART BOOK, nhiều cuốn sách vừa hay về nội dung, đẹp về hình thức đã được sản xuất và phát hành. Có thể kê ra như: Lược sử nước Việt bằng tranh (tranh Tạ Huy Long, lời Hiếu Minh - Huyền Trang), Lĩnh nam chích quái (tranh Tạ Huy Long), Cổ tích Việt Nam bằng thơ (thơ Thái Bá Tân - tranh Hoàng Giang), Cổ tích thế giới bằng thơ (thơ Thái Bá Tân - tranh Hoàng Giang), Những nàng công chúa bí ẩn, Nàng Lọ Lem (tranh Bích Khoa)… Những ấn phẩm này phần lớn nội dung cũng chỉ là lịch sử, cổ tích nhưng cách vẽ mới, trình bầy mới nên đã được đón chào nhiệt liệt và đã được tái bản nhiều lần. Một số cuốn sách khoa học như: 90% trẻ thông ninh như cách trò chuyện đúng của cha mẹ (tác giả Urako, Kanamori), Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em (Nguyễn Linh Hương)... đặc biệt mảng sách Wings Books được NXB dành cho lứa tuổi 16+ với những tác phẩm hiện đại như: bộ tiểu thuyết fantasy – kỳ ảo Vật chất tối của ngài (Philip Pullman), Móng vuốt Quạ đen (Leigh Bardugo) và Max - Bi kịch của chủng tộc thượng đẳng (Sarah Cohen-Scali), tiểu thuyết về đề tài Thế chiến 2 đã đạt 12 giải thưởng tại Pháp) cũng đạt được những kết quả rất tốt về phát hành.
Xin bật mí với các bạn, một ấn phẩm mới của dòng sách này cũng sắp được ra mắt độc giả, đó là cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài đã được Tạ Huy Long - một trong những họa sĩ truyện tranh hàng đầu hiện nay - vẽ mới theo phong cách comic đang được các em ưa chuộng hiện nay. Và đây sẽ là quả bom… “tạ” trong năm nay của NXB Kim Đồng.
Còn riêng tôi, tôi vẫn đang theo đuổi bộ sách về các họa sĩ mà đã có nhiều đóng góp cho NXB Kim Đồng mà tôi đã làm được vài cuốn như về Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Ngô Mạnh Lân, năm tới là Thy Ngọc, Nguyễn Thụ… Còn một mảng sách nữa tôi cũng rất thích là mảng truyện tranh lịch sử, tôi cũng sẽ tiếp tục viết lời cho bộ truyện tranh này”.