Trả lời cử tri còn né tránh

H.Vũ 28/09/2019 00:00

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV của Ban Dân nguyện cho thấy, nhiều kiến nghị của cử tri được Chính phủ, các bộ, ngành tiếp thu và áp dụng trong quá trình quản lý, điều hành mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong giải quyết kiến nghị cử tri chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị không được giải quyết, không rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết.

Văn bản trả lời không đề cập đến vấn đề cử tri kiến nghị

Thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 2.217 kiến nghị của cử tri. Trong đó có 51 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội chiếm 11,3%; 2.158 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành chiếm 97,33%; 32 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chiếm 1,44%; 8 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương chiếm 0,36%. Các kiến nghị này đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời cử tri theo đúng quy định, đến nay đã có 1.819 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời cử tri theo quy định, đạt 82,04% tổng số kiến nghị đã chuyển.

Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được việc giải quyết các kiến nghị của cử tri còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Đến nay đã có 1.745/2.158 kiến nghị gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã được xem xét, giải quyết trả lời, chiếm 81%. Trong đó có việc một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, có trường hợp văn bản không đề cập đến vấn đề cử tri kiến nghị.

Đơn cử như cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị có chế độ, chính sách khuyến khích đối với người không phải là cán bộ, công chức, viên chức đã tham gia hoạt động trong cơ quan dân cử từ 2-3 nhiệm kỳ. Trả lời, Bộ Nội vụ đều dẫn chiếu Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH ngày 13/5/2016 của UBTVQH quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND. Tuy nhiên nội dung Nghị quyết này lại không quy định về vấn đề cử tri kiến nghị. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, theo nội dung trả lời của Bộ Nội vụ thì ĐBQH không thể sử dụng để trả lời cử tri.

Bên cạnh đó, qua theo dõi và phản ánh của các đoàn ĐBQH cho thấy, nhiều bộ, ngành còn chậm giải quyết trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri như: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công an. Trong khi hầu hết các bộ trưởng, trưởng ngành đều hết sức quan tâm, coi trọng việc giải quyết kiến nghị của cử tri nên đã trực tiếp xem xét từng kiến nghị và ký văn bản trả lời cử tri thì hiện nay vẫn còn một số văn bản trả lời cử tri vẫn do cấp phó ký, thậm chí nhiều văn bản trả lời của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam còn giao cho cấp vụ ký.

Không rõ trách nhiệm

Đáng chú ý, việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong giải quyết kiến nghị của cử tri chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị không được giải quyết, không rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết. Cụ thể, cử tri Đoàn Bắc Kạn đề nghị bổ sung chế độ hỗ trợ cho các hộ dân khi tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp xã. Theo văn bản trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc xác định chi cho công tác hòa giải này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai nên kiến nghị nêu trên thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại kỳ họp thứ 7, kiến nghị trên đã được chuyển đến Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đã phân công cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trả lời. Tuy nhiên văn bản trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nội dung: “đề nghị cử tri liên hệ với Bộ Tài chính để được trả lời cụ thể”. Như vậy đã qua 2 kỳ họp, kiến nghị của cử tri vẫn chưa có cơ quan nào nhận trách nhiệm giải quyết.

Mặt khác, việc giải quyết một số vấn đề cử tri phản ánh còn chậm, hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Cụ thể, cử tri TP. Hà Nội phản ánh việc thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội còn rất chậm, không đảm bảo lộ trình.

Theo trả lời của Bộ Xây dựng thì UBND TP. Hà Nội xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở sản xuất công nghiệp; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành việc lập đề án làm cơ sở xác định danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời.

“Mặc dù đã có quyết định của Thủ tướng nhưng các bộ, ngành chưa nghiêm túc triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, trật tự đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân Thủ đô”-Ban Dân nguyện nêu rõ.

Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành được tổ chức triển khai thực hiện trong phạm vi nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên trong một số trường hợp còn chưa thực chất gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tạo kẽ hở để cán bộ, công chức có thể sách nhiễu, tiêu cực.

H.Vũ