Xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định đại học: Cần 'phủ' cả chương trình liên kết, đào tạo từ xa

Thu Hương 28/09/2019 08:00

Từ ngày 1/7, bằng đại học (ĐH) được đào tạo theo hình thức chính quy hay tại chức, từ xa, liên thông đều có giá trị ngang nhau theo quy định tại Luật Giáo dục ĐH 2019. Yêu cầu đặt ra là cần “siết chặt” quá trình đào tạo cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng để sản phẩm đầu ra đạt chất lượng tương xứng với tấm bằng được cấp.

Xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định đại học: Cần 'phủ' cả chương trình liên kết, đào tạo từ xa

Ảnh minh họa.

Lỗ hổng trong đánh giá

Theo ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, 100% cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định chất lượng.

Nhìn lại 10 năm trở lại đây, công tác kiểm định chất lượng đã được triển khai trong toàn hệ thống và ngày càng chuyển biến rõ nét. Các trường đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với vấn đề kiểm định chất lượng. Biểu hiện rõ nhất là số trường ĐH đạt chuẩn kiểm định ngày càng tăng, chất lượng đào tạo nhân lực được nâng lên đáng kể. Phần lớn các trường ĐH đều hình thành được cơ quan chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng

Quá trình kiểm định những năm trước được triển khai theo Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT với 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí đánh giá trường ĐH. Những điều kiện bảo đảm chất lượng của trường ĐH được chú trọng gồm: đội ngũ; chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu; phòng học, hệ thống công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm; nguồn lực tài chính… Cả nước có năm trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập nhằm đánh giá ngoài và công nhận chuẩn chất lượng các trường ĐH trên cả nước. Quá trình kiểm định các trường thực hiện đầy đủ theo 4 bước: Tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận đạt chuẩn.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những giải pháp để giải quyết một số khoảng trống trong hoạt động kiểm định. Bởi hệ thống quản lý chất lượng bên trong hiện chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là yếu tố con người làm công tác kiểm định. Hoạt động kiểm định chất lượng mới chỉ tập trung nhiều vào việc đánh giá các chương trình, hoạt động đào tạo truyền thống, chưa chú trọng đánh giá các chương trình đào tạo phi truyền thống (đào tạo từ xa, liên kết đào tạo…).

“Lỗ hổng” này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu vì vấn đề chất lượng đào tạo của các chương trình phi truyền thống hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Thậm chí, có những doanh nghiệp hoặc đơn vị sử dụng lao động từ chối nhận ứng cử viên có bằng đào tạo từ xa hoặc liên kết ngay từ vòng nhận hồ sơ vì chưa tin tưởng chất lượng đào tạo từ hệ thống đào tạo không tập trung. Chính vì vậy, khi Luật Giáo dục ĐH 2019 chính thức có hiệu lực với việc công nhận giá trị các văn bằng đào tạo theo hình thức chính quy hay tại chức, từ xa, liên thông đều có giá trị ngang nhau theo quy thì yêu cầu cấp thiết đặt ra là siết chặt chất lượng đào tạo của các chương trình này. Và kiểm định chất lượng là yếu tố quan trọng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, năng lực hệ thống giáo dục ĐH.

Gấp rút hoàn thành bộ tiêu chuẩn

Những năm gần đây, liên kết đào tạo đã không còn là hình thức mới trong ngành giáo dục, đặc biệt với bậc giáo dục ĐH. Hiện nay, có rất nhiều tổ chức GDĐH ở các nước như Việt Nam mong muốn được cung cấp các chương trình đào tao chất lượng cao hoặc các chương trình liên kết đào tạo với tổ chức GDĐH nước ngoài và ngược lại, các tổ chức giáo dục ĐH quốc tế cũng mong muốn cung cấp các chương trình đào tạo của họ ở nước ngoài thông qua hợp tác đào tạo với các tổ chức giáo dục ĐH địa phương. Tuy nhiên, việc làm thế nào để thực hiện việc đảm bảo chất lượng, quản lý và nâng cao chất lượng đang là vấn đề rất được quan tâm trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục ĐH với rất nhiều các chương trình và mô hình liên kết đào tạo đang diễn ra ở Việt Nam.

Để chuẩn hóa chất lượng thì các chương trình liên kết này và chính trường ĐH cũng cần thực hiện kiểm định chất lượng. Theo ông Mai Văn Trinh, một chương trình được kiểm định sẽ tổ chức đào tạo theo một tiêu chuẩn tối thiểu đã cam kết và hoàn toàn có lợi cho người học. Bằng cấp từ một chương trình được kiểm định sẽ dễ dàng được các trường ĐH khác công nhận khi học lên cao hơn. Có một số chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam được kiểm định và người sẽ thấy thông tin này trong các tài liệu truyền thông của chương trình, của nhà trường.

Vì thế, với trách nhiệm của cơ quan quản lý, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng kiểm định viên. Bộ GDĐT cũng đang tích cực xây dựng các công cụ với đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn để kiểm định chương trình đào tạo phi truyền thống như đào tạo từ xa, liên kết đào tạo…; củng cố, đầu tư nguồn lực cho hệ thống kiểm định tại các trường ĐH.

Chia sẻ quan điểm này, GS Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, đẩy mạnh tự chủ ĐH gắn liền với đảm bảo chất lượng. Một đơn vị đảm bảo chất lượng đồng nghĩa với cơ sở GDĐT phải công khai với xã hội về chất lượng giáo dục thực tế đang có, các điều kiện bảo đảm cũng như các cam kết với xã hội. Vì vậy, nếu làm tốt đảm bảo chất lượng giáo dục cũng đồng nghĩa với việc tiến gần đến với việc tự chủ. Muốn làm được điều đó, Bộ cần gấp rút hoàn thành bộ tiêu chuẩn kiểm định với các tiêu chí, tiêu chuẩn bám sát xu hướng kiểm định quốc tế, trong đó chú trọng tới cả các chương trình đào tạo liên kết, từ xa… để xã hội có niềm tin vào giá trị thực chất của các văn bằng này. Luật khi đó mới chính thức đi vào cuộc sống.

Mục tiêu đến hết năm 2020, sẽ thực hiện đánh giá ngoài xong vòng một đối với các cơ sở đào tạo và khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế. Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ khuyến khích các trường ĐH xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định các chương trình đào tạo, bảo đảm chất lượng bên trong, bên ngoài và từng bước kiểm định theo những tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Thu Hương