Đằng sau việc chạy chức
Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 205 (Quy định) về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Sự ra đời của Quy định theo như nhận xét của PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn-Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã cụ thể về kiểm soát quyền lực với tinh thần bất cứ ai, bất cứ tổ chức, cá nhân được nhân dân trao quyền lực đều phải bị kiểm soát.
Trong Quy định khi nói về chạy chức, chạy quyền đã đưa ra hàng loạt biểu hiện như: Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Hay như, lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người. Hoặc, lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình…
Tóm lại, Quy định đã nêu rất rõ các hành vi có thể xem như biểu hiện của chạy chức, chạy quyền. Tức là, đã có thể đánh giá hành vi của người chạy chức, chạy quyền. Trên thực tế, những hành vi này không phải là hiếm và việc chạy chức, chạy quyền bằng những hành vi nêu trên giờ cũng không phải là cá biệt. Thậm chí, người ta không chạy qua lãnh đạo trực tiếp mà chạy qua thân nhân của lãnh đạo, dưới hình thức quà biếu cho vợ, con, cha mẹ người lãnh đạo. Vậy là, họ đã tài tình, tìm cách né chạy một cách hợp pháp. Nhưng, lần này, những hành vi như vậy cũng được chỉ ra trong Quy định qua cụm từ nhắc đến những “người có liên quan”; tức là đã có sự cân nhắc kỹ càng. Không thế sao được, nếu chúng ta nhớ lại trường hợp của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, người đã giúp cho Trịnh Xuân Thanh có bước thăng tiến thần tốc và suýt nữa đã trèo cao, chui sâu nếu không có sự phát hiện kịp thời của truyền thông.
Cách đây cũng khá lâu, trong một hội nghị tổng kết năm của ngành tổ chức, xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu rất thẳng thắn. Tại hội nghị kể trên, Tổng Bí thư có lẽ, đã lần đầu nói đến vấn nạn chạy chức, chạy quyền một cách thẳng thắn, không úp mở: “Nếu có (chuyện chạy) thì phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có thì phải trả lời cho sòng phẳng. Ai chạy? Chạy ai? Đằng sau nó là cái gì? Có khi biết mà không nói ra được hay là không dám nói?” Hay như: “Cứ vào đại hội, cứ chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm lại râm ran chuyện vận động, mời nhau ăn uống, cho tiền, tặng quà. Có cái gì ‘luồn’ vào trong cái tình cảm ấy?”.
Tổng Bí thư cũng không ngần ngại nói trong hội nghị ấy và trong nhiều cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ông đã khẳng khái cho rằng: Hiện nay dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... “Bây giờ người ta đang nói chạy cả... luân chuyển. Cán bộ luân chuyển được một vài năm lại nhấp nhổm chạy về”.
Người đứng đầu Đảng ta đã nhìn ra mấu chốt của vấn nạn này. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng nhận ra và định nghĩa rõ nét hành vi chạy chức, chạy quyền nên chúng ta có Quy định 205. Nhưng, cũng từ thực tế vụ Trịnh Xuân Thanh hay nhiều vụ việc, vụ án khác có thể thấy, dư luận vẫn băn khoăn: Có người chạy thì ắt phải có người nhận chạy. Mà người nhận quà cáp để chạy chức chạy quyền ắt hẳn phải là người có thể quyết định hoặc tác động đưa đến quyết định có lợi cho người chạy chức. Vậy thì, xử lý người đi chạy chức cũng đồng thời phải xử lý cả người nhận chạy chức. Có như thế thì chống chạy, chạy quyền mới đạt kết quả như mọng đợi.
Trong Quy định đã nêu rõ về việc xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền: “Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành”. Quy định cũng liệt kê rõ các mức độ vi phạm, từ khiển trách cho đến cảnh cáo, khai trừ Đảng; thậm chí: “Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính”- Quy định nêu rõ. Nhưng vấn đề là ở chỗ, người chạy chức và người tiếp tay cho chạy chức có công khai việc chạy chức hay không? Và, nếu không công khai thì tất nhiên, chúng ta lại càng cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của cán bộ thông qua các kênh giám sát làm sao cho hiệu quả để phát hiện kịp thời hành vi chạy chức, chạy quyền và xử lý vi phạm kịp thời. Có như thế chống chạy chức, chạy quyền mới đạt kết quả cao.