Chọn cán bộ sai thì rất nguy hiểm
Quy định 205 của Bộ Chính trị nêu rất cụ thể việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, nghiêm cấm thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị để vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình nhằm thao túng, can thiệp công tác cán bộ. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng các cấp, và đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị có quy định rõ ràng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Theo tôi đây là văn bản có tính giá trị pháp lý rất cao, là cơ sở để đẩy mạnh hơn quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như phòng ngừa những tiêu cực trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, trong đó có tiêu cực về công tác cán bộ. Trước đây chỉ nêu “kiểm soát quyền lực” nói chung;, nhưng lần này Quy định 205 nhấn mạnh đến kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Như vậy đáp ứng được yêu cầu thực tế, qua đó phòng ngừa việc lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền lực trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ. Cá nhân tôi đánh giá đây là bước phát triển quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ.
Đáng chú ý khi Quy định này đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản đó là các tổ chức đảng, cấp ủy và mỗi cán bộ đảng viên căn cứ vào đó để xử lý những vi phạm về kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, “chạy chọt” trong công tác cán bộ là hiện tượng đã diễn ra trên thực tế và thời gian qua chúng ta đã phải xử lý nhiều vụ vi phạm. Quy định này của Bộ chính trị là để ngăn chặn những hiện tượng đã có, hướng tới phòng chống chạy chức chạy quyền, và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Nếu như đường lối, chính sách sai có thể sửa được, nhưng nếu chọn sai cán bộ thì rất nguy hiểm, có thể dẫn tới thất bại, thậm chí đổ vỡ.
Từ thực tế vừa qua, theo ông đâu là bài học kinh nghiệm chúng ta cần rút ra trong công tác cán bộ, để qua đó có cách làm tốt hơn?
- Qua các thời kỳ cách mạng, sở dĩ chúng ta thành công thắng lợi lớn đều do sự lựa chọn, bố trí sắp xếp cán bộ đúng, phát huy được vai trò của cán bộ trong mọi thời kỳ. Đó là bài học cho ngày nay về công tác lựa chọn cán bộ. Từ nhiều nhiệm kỳ nay, công tác cán bộ đã bắt đầu xuất hiện những tiêu cực cho nên Quy định lần này của Bộ Chính trị chính là để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, đặc biệt là hiện tượng chạy chức, chạy quyền, rồi sử dụng quyền lực trong công tác cán bộ.
Như vậy chúng ta cần phải chú trọng đến vai trò của các cấp ủy Đảng vì công tác cán bộ là việc của Đảng, bên cạnh đó cũng gắn với đánh giá cán bộ một cách thực chất hơn, thưa ông?
- Chúng ta phải nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu. Trong lựa chọn cán bộ phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, nếu người đứng đầu không thực sự vì sự phát triển của tổ chức đảng sẽ dẫn tới chọn sai, bắt đầu từ khâu đánh giá cán bộ. Vì công tác cán bộ có 5 khâu gồm: Đánh giá; quy hoạch; đào tạo bồi dưỡng; xếp sắp bố trí; thực hiện hệ thống các chính sách cán bộ. Nếu làm đúng quy trình này, bước đầu tiên bao giờ cũng là đánh giá cán bộ, đánh giá đúng mới quy hoạch tốt, quy hoạch xong phải đào tạo tốt, từ đó mới xắp xếp bố trí và có chính sách hợp lý.
Trong bối cảnh hiện nay, sau ban hành Quy định, theo ông có thể ngăn chặn được tình trạng chạy chức chạy quyền hay không?
- Muốn thực thi Quy định 205 có hiệu quả trước thềm diễn ra Đại hội đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức Đảng, các cấp ủy và trách nhiệm của người làm công tác cán bộ, công tác tổ chức và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên chúng ta mới có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, cộng với sự giám sát của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chúng ta mới có thể thực hiện được.
Thưa ông, Quy định 205 đã nêu rõ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định. Vậy theo ông làm sao có thể phát huy được vai trò của Mặt trận và nhân dân trong việc chống chạy chức, chạy quyền?
- Có hai cách giám sát. Một là giám sát trực tiếp, tức là bản thân người dân và các tổ chức quần chúng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thấy hiện tượng có thể phản ánh ngay với Đảng để xử lý kịp thời các vụ việc. Hai là giám sát thông qua đại diện như MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội kiến nghị với Đảng về công tác cán bộ. Theo tôi những kiến nghị chân thành đó, Đảng cần phải nghiêm túc xem xét, xử lý. Chúng ta cần coi trọng cả hai cách thức giám sát này. Các tổ chức cũng cần chú ý đến sự phản biện, hay những đề xuất của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác cán bộ. Lắng nghe để xử lý, nhưng quan trọng phải xử lý kịp thời, không để kéo dài vì công tác cán bộ tác động trực tiếp đến công việc lãnh đạo. Bên cạnh đó, chế độ tiếp dân của người đứng đầu đã được quy định, cho nên người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương phải nghiêm chỉnh thực hiện chế độ tiếp dân - đó cũng là kênh thông tin để lắng nghe ý kiến của người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!