Quy định về hàng hóa 'Made in Vietnam': Nhiều điểm vướng cần tháo gỡ
Dự thảo Thông tư quy định về các sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được Bộ Công thương xây dựng nhằm xác định rõ đâu là hàng hóa “made in Vietnam” để giảm thiểu những rủi ro trong nhập nhèm xuất xứ hàng hóa ngoại nhập và hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhiều quy định đưa ra trong Thông tư vẫn đang gây băn khoăn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất.
Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chúng ta đã ban hành các quy định về xuất xứ hàng hóa trong đó có việc quy định thế nào là một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.
Thực tế, thời gian qua, có nhiều loại sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ghép, gia công nhưng lại ghi nhãn là hàng “Made in Vietnam” gây nên những phản ứng. Chính bởi vậy, các DN cũng như người tiêu dùng rất mong muốn nhà quản lý có những quy định rõ ràng để đảm bảo công bằng cho cả DN cũng như người tiêu dùng. Bản thân DN, khi có những sự cố xảy ra liên quan đến việc giả mạo hàng hóa, cũng có cơ sở để bảo vệ chính mình.
Vì thế, theo ông, Thông tư không chỉ liên quan đến việc dán nhãn “Made in Vietnam” mà còn quan trọng hơn là xác định thế nào là hàng hoá của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều quy định được đưa ra tại Dự thảo Thông tư mà Bộ Công Thương xây dựng liên quan đến vấn đề này vẫn đang khiến nhiều DN băn khoăn. Ví dụ, theo đại diện một DN, trong Thông tư có quy định, nếu sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gửi văn bản lên Bộ Công thương hoặc trình lên VCCI để xác minh. Như vậy, thủ tục này rất có thể làm mất đi cơ hội đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của DN. Hơn nữa, khi sản phẩm chưa ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa, hoặc chưa dám khẳng định sản phẩm sản xuất tại Việt Nam theo quy định sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Còn theo đại diện một DN sản xuất sứ, mức hàm lượng giá trị gia tăng, theo Dự thảo quy định là mức 30%. Thực tế một số DN chỉ sản xuất ở một số công đoạn nhất định nào đó, vậy sản phẩm không đạt mức 30% sẽ ghi như thế nào? Nếu sản phẩm sản xuất trong nước nhưng lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu được nhập khẩu về, cùng với giá trị gia tăng tạo ra trên sản phẩm là 30%, DN có thể được ghi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam từ nguyên liệu của quốc gia khác được không?
Như vậy, các DN chân chính vẫn phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”. Vì thế, việc quy định thế nào là hàng hóa Việt Nam vẫn rất cần phải được quy định rõ ràng hơn.