Có nông thôn mới khi lòng dân đồng thuận
Triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương đã tích cực vào cuộc với nhiều cách làm sáng tạo. Đến nay, Cuộc vận động đã được triển khai rộng khắp đến từng địa bàn khu dân cư với nhiều kết quả thiết thực trên các lĩnh vực.
Người dân chung tay làm những con đường hoa tại huyện Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh: Đức Anh.
Thay đổi nhận thức của người dân xây dựng nông thôn mới
Xác định người dân là chủ thể của xây dựng nông thôn mới (NTM), Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM. Với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như qua hệ thống truyền thanh, các hội nghị ở xã, thôn, trong sinh hoạt của các đoàn thể, sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền.
Ở nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo như biên tập cuốn tài liệu về nội dung xây dựng NTM dùng cho sinh hoạt chi bộ và các đoàn thể; niêm yết bản đồ quy hoạch xây dựng NTM tại nhà văn hóa xã, thôn và khu trung tâm của xã; phát hành tờ rơi tuyên truyền, phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ dân; tổ chức lễ phát động “Toàn dân chung tay xây dựng NTM “, ký giao ước thi đua giữa các thôn. Từ việc tuyên truyền vận động hiệu quả, đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích của xây dựng NTM.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương Nguyễn Quang Phúc cho biết, qua triển khai thực hiện Cuộc vận động đã khơi dậy tinh thần đoàn kết phát huy ý chí tự lực, tự cường, tiềm năng, sức mạnh và nội lực của mỗi người, mỗi gia đình trong việc vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua Chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo, sự giúp đỡ trực tiếp từ cộng đồng. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo và thiết thực như giúp đỡ ngày công, giống cây trồng, vật nuôi, giúp đỡ về vốn, về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh nghiệm làm ăn, giới thiệu việc làm.
Điển hình như tại huyện Nam Sách với các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như mô hình chăn nuôi thủy sản tại xã Nam Tân, mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Thái Tân, mô hình trồng rau an toàn ở xã Minh Tân, Thái Tân. Hay như tại huyện Kim Thành có mô hình tổ liên gia giúp nhau làm kinh tế ở xã Đồng Gia tạo tinh thần đoàn kết, giúp nhau làm kinh tế tạo giá trị thu nhập cao cho các hộ nông dân. Từ những hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên đã góp phần tích cực vào tiêu chí số 11 trong Chương trình xây dựng NTM, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2019 của tỉnh xuống còn 2,5%.
Bên cạnh đó phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hoá, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Ở các khu dân cư, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt vai trò trong việc xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong nhân dân cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp để xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở, nhất là việc xây dựng nhà văn hoá ở thôn và khu dân cư, Kết quả đến nay, toàn tỉnh có trên 97% số thôn, khu dân cư có nhà văn hóa, 1.373/1.469 làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa (đạt 93,46)%, gia đình văn hóa đạt 88,6%.
185/220 xã cán đích nông thôn mới
Ông Nguyễn Quang Phúc chia sẻ, trong quá trình xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình “Ban Công tác Mặt trận thôn, khu dân cư vận động nhân dân hiến đất, hiến công” tại các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Gia Lộc, thị xã Chí Linh, thành phố Hải Dương. Hiệu quả của mô hình thể hiện qua việc nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân trong cộng đồng dân cư về xây dựng NTM được nâng lên, xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của dân trong xây dựng NTM. Từ đó tạo sự đồng thuận trong của nhân dân, khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp vật chất và tinh thần trong xây dựng NTM.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, toàn tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp trên 2.000 tỷ đồng cùng 9.000ha đất và 987.000 ngày công để xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương đã có 185/220 xã cán đích NTM, với 2 huyện Kinh Môn, Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Quang Phúc cho biết, trong tháng 8/2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Nam Sách và thành phố Hải Dương hướng dẫn việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với các huyện về đích NTM và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
“Hiện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM cấp huyện và kết quả hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của thành phố Hải Dương để đề nghị Trung ương công nhận các huyện Nam Sách, Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Miện đạt chuẩn huyện NTM và thành phố Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”- ông Nguyễn Quang Phúc thông tin.
Hơn 90%, người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới
Để đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM, từ năm 2017 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Hải Dương đã trực tiếp phối hợp với Ủy ban MTTQ các xã và Ban Công tác Mặt trận thôn, khu dân cư lấy ý kiến của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của 80 xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng NTM cấp xã đều đạt trên 90%.