Liên Xô không khom lưng trước Đức quốc xã mà đã tiến hành cuộc chơi riêng của mình
Trưởng phòng Khoa học Hội Lịch sử Quân sự Nga Yuri Nikiforov lý giải về việc tại sao Stalin năm 1939 lại buộc tội London với Paris khai chiến.
Lãnh tụ Stalin giải thích cho người đứng đầu Quốc tế Cộng sản về thái độ đối với cuộc chiến tranh đang diễn ra ở châu Âu và vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến đó.
PV:Vậy ai đã bắt đầu chiến tranh thế giới thứ hai – Hitler hay Anh với Pháp?
- Yuri NikiForov: Có ý kiến cho rằng, những cam kết của nước Anh đối với người Ba Lan là một trò khiêu khích – có vẻ như London muốn làm như vậy để dồn cho Hitler vào thế phải tấn công Ba Lan. Điều khẳng định này là hơi quá. Không có ai muốn đánh nhau với nước Đức cả. Khi đưa ra những cam kết cho Ba Lan, Chemberlain chỉ muốn chứng tỏ rằng ngay cả sau khi ăn “cái tát” ở Munich với việc Hitler xóa sổ Tiệp Khắc, nước Anh vẫn không bỏ cuộc chơi. Và nước Đức sẽ phải hòa thuận với London…
Hitler đã không ngờ rằng người Anh sẽ đứng ra bênh vực người Ba Lan?
- Đối với Hitler việc Ba Lan chấp nhận sự bảo trợ của nước Anh đã là một điều bất ngờ khó chịu. Bởi lẽ, sau khi Ba Lan tham gia vào việc xé lẻ Tiệp Khắc, Hitler đã cho rằng Ba Lan đã sẵn sàng trở thành “người đàng mình” đối với nước Đức. Và sẽ đồng ý với yêu cầu từ Berlin về việc trao lại cảng Danzig và hành lang dẫn tới miền Đông Phổ để hy vọng được bồi hoàn trong tương lai bằng vùng Pribaltik hay một phần lãnh thổ của Liên Xô. Tuy nhiên, người Ba Lan lại cho rằng những đe dọa của Hitler chỉ là lời lẽ suông nhằm “buộc Ba Lan phải nhượng bộ”.
Ở Paris và London người ta đã “ngủ quên” trước thời điểm bắt đầu chiến tranh thế giới thứ hai?
- Chính phủ Pháp ngày 23/8/1939 đã thảo luận về việc liệu có cần thúc giục Ba Lan thỏa hiệp với nước Đức hay không. Tổng tham mưu trưởng Pháp, tướng Maurice Gamelin, đã đoan chắc rằng Ba Lan đủ sức kháng cự lại Hitler cho tới mùa xuân. Đã ký được thỏa ước Pháp – Ba Lan với cam kết của Paris là sẽ bắt buộc phải tấn công Đức 15 ngày sau nếu Hitler tấn công Ba Lan. Tuy nhiên, tình báo Đức đã thừa biết rằng, Pháp sẽ không có đủ sự chuẩn bị quân sự cần thiết. Và Hitler cũng biết chắc rằng, nếu tấn công Ba Lan thì y sẽ bị hở lưng về phía tây. Và hy vọng rằng Pháp nói chung sẽ không tham chiến. Và cả Anh cũng sẽ chỉ giới hạn bởi những trò cấm vận thương mại và “lên án về đạo đức”. Thế nhưng ngày 25/8/1939, khi Hitler nhận được báo cáo về việc ký thỏa thuận Anh – Ba Lan về sự giúp đỡ lẫn nhau, quốc trưởng Đức đã chỉ đạo hoãn lệnh tấn công Ba Lan dự định vào ngày 26/8/1939. Chuyển sang ngày 1/9/1939. Nếu Hitler biết được rằng thỏa thuận Anh – Ba Lan không hề được củng cố bằng một kế hoạch hoạt động quân sự, hẳn y đã không phải dao động đến như vậy.
Thế sao Anh và Pháp lại chỉ tuyên chiến với Hitler ngày 3/9 chứ không phải ngày 1/9/1939?
- London và Paris đã định bám lấy đề nghị của Mussolini (trùm phát xít Italia) về việc triệu tập ngày 5/9/1939 hội nghị 4 cường quốc (tương tự như hội nghị Munich). Các sư đoàn Đức đã xâm phạm lãnh thổ Ba Lan, nhưng người Pháp và người Anh lại bắt đầu yêu cầu mời Warsawa tham dự hội nghị. Còn ngày 1/9/1939, họ chỉ gửi lời phản đối tới Berlin. Hitler thông qua Mussolini thông báo rằng y sẽ có câu trả lời không muộn hơn 12 h ngày hôm sau.
Và họ đã chờ đợi?
- Đúng thế. Còn Hitler với sự giúp đỡ của Mussolini đã giành được khoảng thời gian đủ để tiến hành một cuộc chiến thần tốc. Và khi ngày 3/9/1939, nước Anh và Pháp tuyên chiến, thì Hitler coi đó chỉ là một sự “giả lễ chúa mường”. Trong quân lệnh số 2 dành cho các lực lượng vũ trang, y tái khẳng định quyết tâm giữ vững kế hoạch phá tan nhanh chóng quân đội Ba Lan.
Stalin sau đó ba tháng lại buộc tội khai chiến không phải cho Hitler mà cho London với Paris...
- Nhưng những câu nói đó của Stalin chỉ là một phần trong thông báo phản bác của hãng tin Pháp Havas (tiền thân của AFP hiện nay). Sự phản bác đối với băng ghi âm bài phát biểu của chính Stalin tại “hội nghị bí mật của Bộ Chính trị và Quốc tế Cộng sản ngày 19-8-1939”. Băng ghi âm này dường như được thực hiện tại Điện Kremli do một thành viên của hội nghị thực hiện và chuyển sang Pháp. Để làm gì? Để như người ta nói, “bóc trần âm mưu của nhà độc tài trong Điện Kremli, người đã gây nên tội lỗi khiến châu Âu lại bị chiến tranh” (?).
Nhưng đã không hề có một bài phát biểu nào như thế?
- Đúng thế, các nhà sử học từ lâu đã đi tới kết luận rằng thông tin trên là giả mạo, được tung ra theo đúng các quy luật của cuộc chiến tranh truyền thông. Trong “bài phát biểu” ấy, dường như Stalin muốn đề cập tới việc “bolshevik hóa” châu Âu qua chiến tranh và quá trình kiệt lực chung từ cả hai phía. Và dường như ông đã vui mừng vì chiến tranh đã nổ ra. Trong thực tế thì Stalin đã nhìn thấy nguy cơ của việc phát tán thông tin giả đó vì nó khiến người ta nghĩ rằng thái độ trung lập của Liên Xô năm 1939 là giả tạo và Stalin có vẻ như sẵn sàng đưa Hồng quân vào châu Âu để tiến hành cuộc cách mạng thế giới.
Sự bác bỏ của Havas có tạo ra cảm giác dường như Stalin đứng về phía Hitler hay không?
- Nếu như trích dẫn câu nói của Stalin nằm ngoài văn cảnh thì có cảm giác như Điện Kremli có vẻ như vụng về uốn theo phía Hitler. Dù Stalin chỉ ghi nhận sự việc: nước Anh và nước Pháp tuyên chiến với nước Đức chứ không phải ngược lại! Ở thời điểm đó, nếu Stalin lại lên tiếng buộc tội “Hitler khát máu” khai chiến thì chả khác gì tự bắn súng vào chân mình!
Tức là lãnh tụ Xôviết trên lời nói đã tuân thủ những điều kiện của hiệp ước về không tấn công lẫn nhau mà Liên Xô đã ký với Đức một tuần trước chiến tranh thế giới thứ hai?
- Stalin chỉ đơn giản là khẳng định với Hitler rằng nước Đức quốc xã không cần phải lo bị đâm vào sau lưng khi tập trung lực lượng chống lại Pháp. Liên Xô ở thời điểm đó đang có chiến sự với Phần Lan, sẽ có lợi hơn khi sự chú ý của thế giới còn lại tập trung vào phía bên kia của lục địa: cuộc chiến giữa Đức với Pháp…