Thương tiếc vĩnh biệt ông Nguyễn Hữu Hạnh: Một nhân sĩ yêu nước
Ngay sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhiều nhân sĩ, trí thức, công thương gia của chính quyền Việt Nam cộng hoà đã sẵn sàng tham gia các hoạt động và vào tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Hạnh là một nhân sĩ yêu nước, là Ủy viên Ủy ban ban Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh (thứ hai từ bên phải) tại một hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2012.
Cuộc đời và sự nghiệp chủ yếu của ông Nguyễn Hữu Hạnh là binh nghiệp. Từ đầu năm 1946, lúc đó ông 22 tuổi, theo lệnh đông viên, ông vào quân đội Pháp, theo học trường võ bị địa phương, tốt nghiệp được phong quân hàm chuẩn uý, được điều đi phục vụ tại một đơn vị bộ binh giữ chức trung đội trưởng dưới quyền của thiếu uý - trung đội trưởng Dương Văn Minh, đây là dấu mốc khởi đầu cho mối quan hệ thân tình giữa hai người về sau.
Ông kể: Trước kia tôi là học trò của Dương Văn Minh. Ông Minh đã đào tạo tôi, cho tôi đi học nhiều nơi, tháng 4/1958 tôi đi du học tại Mỹ 42 tuần, có thời điểm tôi làm tham mưu trưởng cho ông Minh 3 năm, khi tôi chưa đi học về thì ông Minh - lúc đó là tư lệnh Bộ tư lệnh hành quân - đã chuẩn bị giao cho tôi chức Trưởng Phòng II, thực sự tôi không phải tình báo gì...
Suốt trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều cấp vị, giữ quân hàm cao nhất là chuẩn tướng và đến tháng 5/1974 (50 tuổi) ông nhận quyết định về hưu.
Một sự kiện đáng nhớ, tháng 10/1963 cha ông qua đời. Theo lời cha dặn phải đưa cha về quê mai táng. Quê ông ở Phú Phong, gần Băng Long tỉnh Tiền Giang, nơi đó là mật khu lõm, đang thuộc quyền kiểm soát của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Ông đã xin với tỉnh cho đưa ba về chôn ở quê. Ông kể: Ba tôi chết thì quốc gia đưa đám ở ngoài này, còn về trong kia thì V.C chôn, có một tiểu đoàn V.C nằm tại đó. Nhân dịp này, Ban Binh vận của Trung ương Cục có ý định vận động ông làm cơ sở với mật danh S7 (Sao Mai ) và giao cho một người họ hàng giữ liên lạc. Suốt từ năm 1963, ta chỉ theo dõi mà không giao nhiệm vụ cụ thể để bảo vệ cho ông Nguyễn Hữu Hạnh được an toàn chờ thời cơ.
Cuối tháng 4/1975, Trung ương Cục xem xét và quyết định đưa ông Nguyễn Hữu Hạnh quay trở lại, một kế hoạch khẩn cấp để đưa ông Nguyễn Hữu Hạnh về Sài Gòn trước ngày 28/4 để kịp gặp Tổng thống Dương Văn Minh vừa nhậm chức. Trước áp lực cực lớn, hàng loạt những quyết định phải đưa ra nhanh chóng, bằng sự hiểu biết lẫn nhau, với tư cách là phụ tá, sau là quyền Tham mưu trường quân đội... ông đã bình tĩnh và nhanh nhạy đưa ra những đề xuất và giải quyết nhiều tình huống có hiệu quả.
Ngày 29/4/1975 Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Giám đốc Nha Cảnh sát đô thành thả tù binh chính trị, gửi công văn yêu cầu Đại sứ Mỹ cho cơ quan viện trợ quân sự Mỹ rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ để giải quyết hoà bình ở Việt Nam. 9 giờ ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hoà giải, hoà hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hoà giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam cộng hoà hãy bình tĩnh, không nổ súng và đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh cũng tuyên bố: “Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng tham mưu trưởng, thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc yêu cầu tất cả quý vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam cộng hoà về ngừng bắn. Các cấp chỉ huy quân lực Việt Nam cộng hoà hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngưng bắn một cách không đổ máu”.
Đến 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, xe tăng của quân đội giải phóng đã vào chiếm đóng dinh Độc lập.
Thế là chỉ hơn 40 giờ đối với Tổng thống Dương Văn Minh và 20 giờ đối với chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã làm được những công việc rất có ý nghĩa, góp phần tránh đổ máu, tránh đổ nát thành phố. Tuyên bố của ông Dương Văn Minh và ông Nguyễn Hữu Hạnh đã có tác dụng làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân đội Việt Nam cộng hoà vào những giờ chót của chiến tranh, tạo thuận lợi để đại quân ta tiến nhanh vào giải phóng Sài Gòn. Thúc đẩy Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn là một thành công của công tác binh địch vận, đã biết chọn đúng đối tượng để tác động vào đúng thời điểm. Đó là một đóng góp quan trọng của mũi binh địch vận trong thời điểm chiến tranh.
…Trong những lần gặp mặt, ông Nguyễn Hữu Hạnh còn tâm sự nhiều chuyện, kể cả những lần tham gia góp ý, sửa chữa biên tập công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến có liên quan. Nay ông đã ra đi nhưng hình ảnh của một nhân sĩ yêu nước, một vị Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiêu biểu, một con người tình nghĩa vẹn toàn sẽ mãi là kỷ niệm đẹp với mọi người.