Nhạc sư Vũ Tuấn Đức: Người khơi nguồn dòng chảy âm nhạc truyền thống
Hôm nay, nói về nhạc sư Vũ Tuấn Đức- Nghệ sĩ Nhân dân, hẳn không nhiều người biết. Thời gian luống những vô tình. Ông đã là người thiên cổ tới nay đã 37 năm. Và cũng bởi còn do ông, sinh thời sống quá khiêm nhường, kiệm lời, không nói về mình; trong khi những gì ông đã làm cho âm nhạc dân tộc không dễ gì có người sánh nổi.
Với cống hiến to lớn cho nghệ thuật dân tộc, nhạc sư Vũ Tuấn Ðức được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và được truy tặng danh hiệu NSND đợt 1 năm 1984.
Nhạc sư, NSND Vũ Tuấn Đức.
Nhạc sư, NSND Vũ Tuấn Đức (1900 - 1982) được đồng nghiệp và những thế hệ học trò coi là bậc kỳ tài. Ông tinh thông nhiều loại nhạc cụ dân tộc, am hiểu sâu sắc âm nhạc dân gian Việt Nam. Khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) thành lập, ông đã là Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống đầu tiên (suốt từ năm 1956 đến năm 1972). Ở vị trí này, nhạc sư Vũ Tuấn Đức đã biên soạn chương trình, giáo trình cho các nhạc cụ dân tộc đưa vào giảng dạy chuyên nghiệp ở bậc sơ học và trung học- trước đó không hề có. Ông là người đầu tiên thực hiện cách ghi nhạc bằng năm dòng kẻ như cách bây giờ vẫn dùng; điều đó góp phần cực kỳ quan trọng để tạo ra điều kiện cần thiết lưu giữ, truyền bá và phát triển âm nhạc dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới. Nói như cách nói của người bây giờ, thì đó chính là cách ông tiếp cận và đưa âm nhạc truyền thống của đất nước hội nhập vào với thế giới. Cũng chính từ đó mà cách dạy, cách học và kể cả cung cách biểu diễn rẽ sang một lối đi mới phù hợp với sự bảo lưu và phát triển của âm nhạc dân tộc.
Ngày 30/9, kể từ gần 40 năm nhạc sư Vũ Tuấn Đức qua đời, các thế hệ học trò của ông nay cũng đều đã chạm ngưỡng tuổi 70, cùng giảng viên, sinh viên, học sinh Khoa Âm nhạc Truyền thống Nhạc viện quốc gia Việt Nam mới có dịp sửa sang phần mộ, dựng bia tri ân ông. Trước phần mộ của một bậc kỳ tài, bậc thầy của âm nhạc dân tộc đương đại, TS Cồ Huy Hùng- Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam xúc động nói: Ông là người thầy lớn thường xuyên nhắc nhở thế hệ sau phải chuyên cần học tập ở các nghệ nhân một cách nghiêm túc, giữ gìn và phát huy âm nhạc truyền thống và nghiên cứu, học tập vốn tinh hoa âm nhạc của thế giới. Ông luôn đề cao lý luận với phương châm: “Nhất chuyên đa năng”- Giỏi một loại đàn và biết chơi nhiều loại đàn khác. Ông trực tiếp đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ tài năng của đất nước như: Xuân Khải, Lê Mây, Thao Giang, Mai Phương, Phương Bảo, Thanh Tâm, Xuân Dung và nhiều nghệ sĩ khác... trong đó không ít người nay là Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân… những giảng viên, nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng của đất nước.
Nhạc sĩ, NGND Xuân Khải, người kế tục nhạc sư Vũ Tuấn Đức làm Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống “đời thứ hai”- người cũng đã về với tổ tiên- từng khẳng định nhạc sư Vũ Tuấn Đức là người khơi nguồn dòng nhạc dân tộc, truyền bá các làn điệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước. Ông là người thầy lớn. Quan điểm của nhạc sư là giữ gìn và phát huy âm nhạc truyền thống, cùng đó nghiên cứu, học tập vốn tinh hoa âm nhạc của thế giới.
Theo nhạc sĩ, NGND Xuân Khải, sinh thời nhạc sư Vũ Tuấn Đức luôn đau đáu về sự tồn tại và hòa nhập của âm nhạc truyền thống Việt Nam vào dòng chảy của cuộc sống đương đại. Ông luôn dặn học trò, người chơi đàn dân tộc phải biết nhiều loại đàn, phải hiểu nó, yêu nó, sống chết vì nó. Đó chính là điều căn cốt đối với người dạy, người học và biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Điều đó đã “đặt đường ray” cho việc dạy - học - biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Công lao của người mở đường cho một quá trình hội nhập là vô cùng to lớn. Công lao của người định hướng đúng ngay từ ban đầu là vô cùng to lớn để đến hôm nay chúng ta mới có được thành tựu lớn lao trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị tiềm tàng, lấp lánh và sâu thẳm của âm nhạc truyền thống của người Việt Nam. Điều đó cũng chính là nguồn cội tinh thần để âm nhạc truyền thống của chúng ta hôm nay đối diện và tỏa sáng những giá trị to lớn trong bối cảnh âm nhạc truyền thống chịu sức ép rất lớn từ những dòng chảy ào ạt của những phong cách, xu hướng âm nhạc hiện đại, kể cả những trường phái đầy hấp lực đến từ bên ngoài.
Ngày 30/9, tại Ba Vì (Hà Nội), trước phần mộ của nhạc sư Vũ Tuấn Đức, những thế hệ học trò của ông trân trọng tấu lên những khúc nhạc truyền thống mà ông đã trao truyền cho họ để tri ân bậc thầy lớn, để báo cáo với ông rằng âm nhạc truyền thống Việt Nam là một dòng chảy bất tận không bao giờ gián đoạn. Mà ông chính là người khơi nguồn, định hướng hội nhập một cách đúng đắn kể từ khi nước nhà chính thức có Trường Âm nhạc Việt Nam, năm 1956.