Chữ Hiếu thời nay
Hôm nay (1/10), Ngày Quốc tế người cao tuổi. Nghĩ đến ngày này, chúng tôi lại nhớ đến một chủ đề báo Đại Đoàn Kết đã khởi xướng từ rất sớm và kiên trì theo đuổi trong nhiều năm, đó là việc tôn vinh đạo Hiếu. Bàn về chữ Hiếu trong thời đại ngày nay còn phải là những cuộc tranh luận rất dài. Ví như việc đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão là báo Hiếu theo kiểu thời hiện đại hay là việc rũ bỏ trách nhiệm của con cái ngày nay?
Cháu con hiếu thảo. Ảnh: Bacgiang Online.
Có một điều phải khẳng định ngay từ đầu, đạo Hiếu sẽ trường tồn, làm nên giá trị của đạo lý Việt Nam. Nhưng chữ Hiếu sẽ có những biểu hiện khác đi phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Trong suốt gần 20 năm báo Đại Đoàn Kết tổ chức các kỳ Liên hoan tôn vinh những tấm gương Hiếu thảo, qua những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, chúng tôi thấm thía những biểu hiện sinh động về chữ Hiếu. Tôn vinh lòng hiếu thảo là tôn vinh những giá trị đích thực làm nên nhân cách con người, khi có đủ tình yêu thương con người ta sẽ có niềm tin vượt qua mọi khó khăn. Cùng với làm giàu vật chất, giá trị của thành công chỉ thực sự có được khi người ta làm tròn những bổn phận con người. Không thể có một ai đó không yêu thương cha mẹ, người thân mà lại có thể có lòng yêu thương người khác. Cho nên, Hiếu thảo là cội nguồn của mọi yêu thương.
Trong Hồi ký của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh về người cha - cố Giáo sư Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - có viết: “Cha tôi được cả dòng họ ca ngợi vì lòng hiếu thảo với bà nội”. Cụ thể là theo cuốn Hồi ký, sáng nào, ông Nguyễn Văn Huyên cũng dậy sớm đến thăm mẹ rồi mới đi làm. Trong công trình Văn minh Việt Nam, GS Nguyễn Văn Huyên có viết rằng: “Gia đình là cơ sở của xã hội Việt Nam. Sức mạnh của gia đình là ở chữ Hiếu”. Còn họa sĩ Phan Kế An, trong bài viết “Gia đình như một nền tảng tâm linh - mỹ học” đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Cái thiêng liêng nằm trong dòng chảy nối tiếp từ đời này sang đời khác, mà mỗi cá nhân đều có thể tự soi bóng mình vào dòng chảy ấy để có thể tự trả lời một phần rất lớn của câu hỏi: Ta là ai? Từ đâu ra? Và sau ta sẽ còn lại cái gì?”. Nhà xã hội học, bà giáo Nguyễn Thị Oanh cũng đã từng có những quan điểm về giáo dục, về gia đình, về hiếu thảo: “Chữ Hiếu là một phẩm chất mà hoàn cảnh và quy mô gia đình không quyết định”. Bà cũng đã từng nói rằng: “Chữ Hiếu ngày nay không thể có từ phong trào hay mệnh lệnh mà phải được giáo dục một cách sâu sắc như một phẩm chất của nhân cách”.
Sở dĩ chúng tôi đưa ra những quan điểm về chữ Hiếu để trở lại với chủ đề chính của bài viết này, một vấn đề còn khá vướng mắc trong xã hội hiện nay: “Có nên đưa cha mẹ già vào trại dưỡng lão hay không?”
Nhà dưỡng lão là mô hình không còn xa lạ nữa ở Việt Nam. Việc nó ra đời, nhân rộng và hoạt động có vẻ hiệu quả là minh chứng cho một xu hướng mới, một lựa chọn hay cũng có thể hiểu là một giải pháp cho không ít người cao tuổi hiện nay. Tuy nhiên, khi nào thì đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão? Câu hỏi ấy trong bối cảnh một xã hội truyền thống phương Đông như ở Việt Nam quả là không dễ dàng gì.
Vẫn còn tồn tại một quan niệm là đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão là bất hiếu, là đi ngược lại với truyền thống bảo bọc, yêu thương của gia đình Việt Nam, là việc rũ bỏ trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Nhưng một luồng ý kiến các chuyên gia lại phân tích theo hướng cần thay đổi các quan niệm về chữ Hiếu một cách khoa học, nhân văn hơn.
Lý do được đưa ra là dựa vào thực tế và xu thế lão hóa dân số ở Việt Nam với tốc độ nhanh, cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực, thiếu thời gian..., nên việc bỏ tiền đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để họ hưởng một dịch vụ tốt, có điều kiện chăm sóc sức khỏe, thì cũng không phải là chối bỏ trách nhiệm.
Đương nhiên, cách nào thì cũng có mặt nọ mặt kia. Nhưng nên nhớ rằng ở cả 2 cách này chúng ta đều đang bàn ở góc độ của những gia đình mà Hiếu thảo vẫn là nguồn chảy chính. Có nghĩa là để cha mẹ ở nhà để chăm sóc yêu thương, cùng trò chuyện và chia sẻ mỗi ngày hay vì không có điều kiện chăm sóc phải đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão thì cũng vẫn gọi điện và đến thăm thường xuyên, lắng nghe mọi tâm sự, yêu cầu của cha mẹ. Với những biểu hiện như vậy của con cái, cho dù có đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão thì nó vẫn khác xa với chối bỏ trách nhiệm. Người ta chỉ đáng trách khi bỏ mặc cha mẹ không quan tâm chăm sóc, không gần gũi yêu thương, coi thường cha mẹ và đối xử tệ bạc. Cho nên, suy cho cùng ở nhà hay vào nhà dưỡng lão thì đều phải xuất phát trước hết từ tình yêu thương, phải là mong muốn và sự tự nguyện của người cao tuổi chứ không phải là sự ép buộc của con cái. Ở đâu người già được chăm sóc, được quan tâm để sống vui, sống khỏe, sống có ý nghĩa thì ở đó vẫn là mạch nguồn của tình yêu thương gia đình.
Cho đến hiện nay, rất nhiều người cao tuổi đã chủ động lựa chọn cho mình phương thức để sống tuổi già một cách an nhiên. Ví dụ như chuẩn bị trước về kinh tế, nhà cửa, môi trường sống để không còn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chúng ta có thể có nhiều ví dụ sinh động về trí tuệ, sức khỏe và sự đóng góp quan trọng của người cao tuổi đối với xã hội. Nhưng quan trọng nhất, đối với mỗi gia đình, ông bà cha mẹ là chỗ dựa, là yếu tố kết nối thế hệ để tạo ra nền tảng giáo dục, vào việc hình thành nhân cách thế hệ trẻ.
Chữ Hiếu không phải là thứ đồ trang sức, nói như bà giáo Nguyễn Thị Oanh, nó là “phẩm chất của nhân cách”. Cho nên, băn khoăn về việc có nên đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão hay không sẽ không còn trở thành mối băn khoăn nếu ứng xử đó chỉ là sự lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện, nó hoàn toàn xuất phát từ lòng Hiếu thảo, sự yêu thương.