Tái cơ cấu nguồn nhân lực thời kỳ công nghệ số
Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chính thức được ban hành.
Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu cụ thể như đến năm 2025, Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Giá trị kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung…Đặc biệt tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Trên thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ trên toàn thế giới đã mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Với nước ta đang trên đà phát triển, độ mở của nền kinh tế thuộc top đầu thế giới, sự phát triển sẽ được đẩy nhanh, tiếp cận với nền thành quả công nghiệp thế giới cũng tăng cao; nhưng hạn chế của nó cũng nằm ở việc dễ bị tác động, làm tổn thương đến nền kinh tế trong nước trong bối cảnh sức cạnh tranh và sức mạnh nội tại của đất nước đang còn thấp. Nó hiện hữu ngay ở việc thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt trọng tâm của cuộc cách mạng công nghiệp này là “khoa học công nghệ” và “đổi mới sáng tạo” cũng nổi lên nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Theo số liệu khảo sát của Bộ Công thương thì hiện nay, có 61% doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị.
Vì thế có thể coi “thể chế” và “doanh nghiệp” là hai điểm nghẽn cần tái cấu trúc mạnh mẽ nhất. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy loại hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới, ngành nghề kinh doanh mới, sản phẩm mới cũng phải rất linh hoạt. Bởi nếu không linh hoạt vô hình trung sẽ lại trở thành những rào cản, những điều kiện kinh doanh bất hợp lý cản trở sự phát triển của cái mới, trong bối cảnh quản lý nhà nước hiện nay vẫn theo mô hình cũ, phần nào còn sức ì, chưa theo kịp theo thể chế kinh tế thị trường do năng lực lãnh đạo và quản lý của cán bộ phần nào còn tồn dư từ nền kinh tế tập trung bao cấp chưa quen với cái mới và tự thay đổi. Bởi bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là một sự dịch chuyển số hóa, số hóa này số hóa toàn bộ xã hội, số hóa các doanh nghiệp và số hóa lĩnh vực quản lý nhà nước. Cho nên kiến thức, kỹ năng về số là quan trọng và “số hóa doanh nghiệp” là cái cần tập trung nhiều hơn có tạo ra cơ hội mới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo ra ngành nghề mới, những sản phẩm mới, những mô hình kinh doanh mới và đấy có thể có nhiều cơ hội cho Việt Nam bứt phá trong việc tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì lẽ đó Nghị quyết đã yêu cầu: “Xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số”.
Quay trở lại hai vấn đề trọng tâm “thể chế” và “doanh nghiệp” thì cốt lõi vẫn ở chính sách phát triển nguồn nhân lực bởi con người chính là nơi thiết kế thể chế, cũng như lãnh đạo, chỉ đạo để doanh nghiệp có thể chuyển đối theo. Cho nên bên cạnh việc rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thì phải có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số gắn với chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài nguồn nhân lực chất lượng cao.