Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất châu Á

Đức Trân 02/10/2019 08:00

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10, Diễn đàn “Tiến tới công bằng cho mọi lứa tuổi” đã được Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) và HelpAge International (tổ chức hỗ trợ người cao tuổi) vừa phối hợp tổ chức.

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất châu Á

Chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi.

Hoạt động này nhằm kêu gọi xã hội có một cách nhìn nhận tích cực hơn về người cao tuổi ở Việt Nam, biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội và tăng cường sự hiểu biết về động lực của một xã hội đang già hóa.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Tại Diễn đàn, ông Đàm Hữu Đắc - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” khoảng 17 - 20 năm. Điều này tạo ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với người cao tuổi. Vẫn còn có bộ phận không nhỏ người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng.

Tham gia Diễn đàn liên thế hệ có ba nhóm đại diện trên sáu mươi tuổi, bốn mươi tuổi và hai mươi tuổi. Ba thế hệ đã chia sẻ, thảo luận về những kinh nghiệm đã trải qua, những bài học trong cuộc sống và những thành tựu đã đạt được trong hành trình chấm dứt bất bình đẳng liên quan đến tuổi tác. Các câu chuyện thú vị của ba thế hệ giúp chúng ta thay đổi những quan niệm và định kiến ​​tiêu cực liên quan đến người cao tuổi. Đại diện ba thế hệ đã có những chia sẻ đầy cảm hứng và khẳng định rằng tuổi tác chỉ là những con số mà thôi. Cả thế hệ trẻ và thế hệ cao niên đều có giá trị theo cách riêng của họ và khẳng định rằng những người lớn tuổi hơn vẫn là những thành viên tham gia tích cực, đầy đam mê và nhiệt huyết trong xã hội.

Phát biểu tại sự kiện, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định, già hóa dân số là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030. Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỉ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà vì mức sinh giảm. Tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam phải chuẩn bị cho già hóa dân số khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi.

Thông qua tiếng nói của người cao tuổi tại Diễn đàn, một thông điệp cần phải được lan truyền và một phong trào cần phải được xây dựng, đó là người cao tuổi là những người tham gia tích cực trong xã hội, chứ không phải là gánh nặng của xã hội. Việt Nam cần thiết phải tạo điều kiện cho các cơ hội việc làm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và bình đẳng giữa nam và nữ, phát triển kỹ năng, chăm sóc sức khỏe toàn dân, an sinh xã hội và môi trường thân thiện với người cao tuổi như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già; Phá bỏ các rào cản tiến tới công bằng cho người cao tuổi, đặc biệt chấm dứt phân biệt dựa vào tuổi tác nhằm đảm bảo hòa nhập xã hội đối với người cao tuổi – đây là cách hiệu quả nhất để ứng phó với vấn đề già hóa dân số và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Đức Trân