Cách mạng công nghiệp 4.0: Chương trình hành động của Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Đó là một trong các lý do để các nhà tổ chức tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019.
Sự kiện diễn ra vào ngày 2 và 3/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Công nghệ số và tiến trình phát triển
Tại phiên họp ngày 13/9/2019, Bộ Chính trị đã cho ý kiến đối với Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thư tư” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ươngCao Đức Phát chủ trì diễn đàn Phát triển năng lượng thông minh ưu tiên chiến lược trong chuyển đối số quốc gia.
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Với mục đích sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đồng thời để đánh giá kết quả tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong thời gian qua và tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân được tham quan, trao đổi học hỏi kinh nghiệm với chuyên gia và doanh nghiệp quốc tế, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành khác; cùng Tập đoàn IEC, Hội Tự động hóa Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019.
Nhiều chuyên gia nêu giải pháp cho chuyển đổi số
Chuỗi hội thảo chuyên đề diễn ra vào chiều 2/10 tập trung vào 5 chủ đề chính bao gồm: Ngân hàng; Thành phố thông minh; Sản xuất thông minh, Năng lượng thông minh và Kinh tế số.
Các phiên hội thảo với sự xuất hiện của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các chuyên gia, diễn giả và đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ hướng tới thảo luận về hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 trong các ngành cũng như lắng nghe chia sẻ, khuyến nghị các chiến lược, giải pháp cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát phát biểu khai mạc diễn đàn.
Trong chuyên đề Ngân hàng thông minh: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng”, dành riêng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng với sự chủ trì của ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Hội thảo đã đánh giá mức độ sẵn sàng của ngân hàng trong việc thực hiện chuyển đổi số và các xu hướng dịch vụ ngân hàng số, thanh toán trực tiếp, công ty công nghệ tài chính (fintech)… Từ đó, phiên thảo luận bàn tròn đề xuất những kế hoạch, chiến lược cho các doanh nghiệp để năm bắt cơ hội mà CMCN 4.0 đem lại cho ngành ngân hàng.
Chuyên đề Thành phố thông minh: tập trung về chủ đề “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia”. Chuyên đề có sự tham gia chủ trì của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyển thông, Bộ Xây dựng, Hội Truyền thông số Việt Nam. Các diễn giả đến từ các công ty trong nước và quốc tế tập trung trình bày về hình hình, triển vọng phát triển hạ tầng số tạo nền tảng cho đô thị thông minh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Bộ, UBND các thành phố và các công ty công nghệ thảo luận những ưu tiên về mặt chính sách, giải pháp để có thể thúc đẩy phát triển hạ tầng số cũng như Chuyển đổi số?
Được chủ trì bởi ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương, Bộ Công Thương và Hội Tự động hoá Việt Nam, chuyên đề Sản xuất thông minh: chủ đề “Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh” lại tập trung đánh giá tình hình sản xuất thông minh tại Việt Nam và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN lần thứ 4 trong nhà máy thông minh, phát triển tự động hoá ở Việt Nam.
Quang cảnh diễn đàn Phát triển năng lượng thông minh ưu tiên chiến lược trong chuyển đối số quốc gia.
Trong đó, những định hướng, chiến lược giải pháp để xây dựng, phát triển các doanh nghiệp kỹ thuật số sẽ được thảo luận bởi lãnh đạo Bộ Công thương, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và tập đoàn công nghệ.
Chuyên đề Năng lượng thông minh với phiên thảo luận có chủ đề: “ Phát triển năng lượng thông minh: Ưu tiên chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia” do ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương và đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì đã tập trung thảo luận về tiềm năng phát triển năng lượng thông minh và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong quản lý năng lượng hiệu quả trong tiến trình chuyển đổi số.
Chuyên đề Kinh tế số có chủ đề: “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam” dưới sự đồng chủ trì của đại diện Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, phiên hội thảo đánh giá tình hình, xu hướng phát triển thương mại điện tử cũng như lắng nghe các chuyên gia quốc tế chia sẻ, khuyến nghị cho Việt Nam.
Song song với các phiên chuyên đề, Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm nay mở rộng với quy mô gấp đôi cùng gần 80 gian hàng đến từ các công ty trong nước và quốc tế tiêu biểu như: VNPT, VIETTEL, Qualcomm, FPT, Vietcombank, ABB, Samsung, SAP, CMC…
Triển lãm sẽ được chia thành các khu vực trưng bày khác nhau với các sản phẩm và giải pháp công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, các công nghệ tiêu biểu bao gồm thiết bị 5G, công nghệ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, robot Yumi … hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm thiết thực cho người tham gia. Khu vực trải nghiệm sẽ cung cấp cho khách cơ hội tương tác trực tiếp với robot hoặc trải nghiệm thực tế với các công nghệ thực tế ảo.
Quang cảnh buổi triển lãm.
Phiên toàn thể cấp cao diễn ra vào ngày 3/10 được đồng chủ trì bởi ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phùng Quốc Hiển, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đại điện các bộ, ngành liên quan.
Với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, diễn đàn cấp cao sẽ tập trung phổ biến quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và các báo cáo mang tính định hướng định hướng, chiến lược hướng tới nền kinh tế số xã hội số và chia sẻ kinh nghiệm khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế hàng đầu về chuyển đổi số.
Đặc biệt, Phiên toạ đàm bàn tròn cấp cao với sự có mặt của đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ, đại diện các doanh nghiệp, diễn giả trong ngoài nước sẽ thảo luận về việc hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0 cùng với đề xuất các giải pháp kỹ thuật thúc đẩy chuyển đổi số ở các ngành kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, sự kiện năm nay sẽ có sự xuất hiện của hai khu vực có tên Korea Smart City và Samsung Smart City giới thiệu các mô hình và giải pháp hấp dẫn từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc. Khu vực này sẽ mang đến hai không gian trình bày mô hình thành phố thông minh bổ sung và các công nghệ đột phá 4.0 như robot, AI và máy học, an ninh mạng, cảm biến thông minh, hệ thống giao thông thông minh và Internet of Things từ tập đoàn công nghệ Hàn Quốc.