Phát huy dân chủ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Tuệ Phương 04/10/2019 09:00

Người dân được bàn bạc, được thông tin đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, từ đó, chính quyền tổ chức thực hiện theo ý kiến của đa số nhân dân, có sự giám sát, kiểm tra của nhân dân. Việc phát huy dân chủ cũng là “chìa khóa” cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà Mặt trận tỉnh Vĩnh Phúc đã làm được.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, ông Nguyễn Gia Cảnh, Trưởng thôn, kiêm Trưởng Ban CTMT, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Nam Đông, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch cho biết: Công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư. Trong cuộc sống hàng ngày, việc xảy ra xích mích là điều khó tránh khỏi nên Ban CTMT đã thành lập tổ hòa giải. Trong đó, các thành viên tham gia là những đảng viên, những người có uy tín, người đứng đầu các đoàn thể trong thôn. Nhờ đó, nhiều vụ tranh chấp đất đai và những mâu thuẫn nhỏ đã được hòa giải thành công.

Xã Tam Quan, huyện Tam Đảo được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia thảo luận, bàn bạc và tự quyết định mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng. Nhờ đó, nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bà con nhân dân cùng góp công, góp sức với cấp ủy, chính quyền hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông Dương Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan cho biết: Để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM theo đúng kế hoạch đề ra, các phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; kinh phí đầu tư xây dựng, các khoản thu, chi; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết... đều được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn và được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương.

“Nổi bật là trong xây dựng NTM, để đảm bảo dân chủ, các địa phương trên địa bàn xã đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM; tổ chức các cuộc họp để nhân dân trực tiếp nghe, bàn bạc và tham gia đóng góp ý kiến, thống nhất các phương án thực hiện… Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện đã có 7/8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM”, ông Tuyến chia sẻ.

Ghi nhận sự đóng góp của hệ thống Mặt trận trong xây dựng NTM, ông Nguyễn Bá Huy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, trong thời gian qua MTTQ đã phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh còn thường xuyên kiện toàn và phát huy vai trò của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trong công tác giám sát ở cơ sở. Trong những năm qua, đã tổ chức 650 cuộc giám sát, phát hiện gần 150 vụ việc và có hơn 70 ý kiến, kiến nghị gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tổ hòa giải đã tham gia hòa giải gần 1.200 vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, qua đó, góp phần giữ vững đoàn kết, ổn định trật tự, an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở.

“Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, tạo sự đồng thuận xã hội, trong thời gian tới, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng các CVĐ, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực; đẩy mạnh các hoạt động về cơ sở nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời khuyến khích và nhân rộng các mô hình hay, các điển hình tiên tiến về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”, ông Huy chia sẻ.

Tuệ Phương