Lúng túng xác định hàng 'made in Việt Nam'
Hầu hết doanh nghiệp (DN) bày tỏ ủng hộ Bộ Công thương đưa ra quy định xác định hàng hóa “made in Vietnam”. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn lúng túng xác định hàng Việt. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hoá là sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam tránh gây khó khăn cho DN.
Doanh nghiệp muốn có quy định rõ ràng về gắn nhãn mác cho hàng Việt.
Bà Lê Thị Trâm Anh - Đại diện Công ty CP China Steel and Nippon Steel Việt Nam nêu ý kiến: “Sắp tới chúng ta có quy định về hàng hóa của Việt Nam hay hàng sản xuất tại Việt Nam. Vậy đặt trường hợp, nếu hàng hóa của công ty không đạt tiêu chí theo quy định thì trên nhãn mác sẽ thể hiện như thế nào?”.
Đại diện Công ty Intel thắc mắc, đối với các mặt hàng công nghệ cao thuế nhập khẩu 0%, ít khi khách hàng yêu cầu xuất xứ. Thế căn cứ nào để xin chứng nhận xuất xứ, có thể áp dụng Thông tư này không? Theo Intel, hàng hoá của Intel đang xuất khẩu ra nước ngoài nhưng có nhiều nhà phân phối của Việt Nam lại nhập khẩu sản phẩm của đơn vị này từ nước ngoài về để bán tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng mua nguyên liệu tại Việt Nam sản xuất tại Việt Nam, rồi chuyển tiêu thụ nội địa rồi ghi nhãn mác xuất xứ Việt Nam thì có bị điều chỉnh bởi Thông tư không?
Một số ý kiến khác cho rằng, Ban soạn thảo khi đưa ra tiêu chí xác định, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam cần xét đến ngành nghề sản xuất, công nghệ cao và quy trình sản xuất, tự động hoá, mức độ đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt về con người.
Ông Nguyễn Hữu Nam - Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm, trong các quy định hướng dẫn xác định hàng hoá của Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam nên cân nhắc đối với một số sản phẩm có công đoạn sản xuất cuối cùng tại Việt Nam. Ngoài ra, các tiêu chí về chuyển đổi mã số cần cân nhắc kỹ tránh trường hợp nhiều hàng hoá đang sản xuất tại Việt Nam mà không được công nhận là hàng hoá có xuất xứ Việt Nam.
“Bộ Công thương cân nhắc kỹ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia lân cận để đưa ra các quy định phù hợp nhất, đáp ứng được nguyện vọng của người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi kinh doanh của các DN trên lãnh thổ Việt Nam. Phải thận trọng khi ban hành Thông tư, không vì áp lực của dư luận gây ảnh hưởng đến DN” - ông Nam đề nghị.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo sự minh bạch thông tin, đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam có quy định về nhãn hàng hóa. Thế nhưng quy định trước đây chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu nhằm hưởng ưu đãi thuế ưu đãi hoặc phục vụ công tác quản lý ngoại thương. Việc quy định như thế nào là một sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam chưa có, cho nên DN lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định, quan điểm của Bộ Công thương là không muốn vì một, hai DN làm sai mà bắt hàng triệu DN áp dụng chung quy định. Ông Hải cho hay, việc ghi nhãn mác đối với hàng hoá sản xuất trong nước, hàng xuất khẩu ra nước ngoài rồi nhập khẩu khẩu trở lại để tiêu thụ nội địa còn tuỳ thuộc vào nhu cầu của DN. Đây là sự linh hoạt của Thông tư để tránh những hệ luỵ không cần thiết về nhãn mác cho doanh nghiệp. “Nói chung, DN muốn dãn nhãn mác phải chứng minh thông qua chuyển đổi mã số hoặc tính hàm lượng giá trị gia tăng”.
Trước những băn khoăn của DN, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thừa nhận, quy định xác định hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam là vấn đề cấp bách, song còn khá mới mẻ với DN sản xuất trong nước. Bộ Công thương tiếp tục tiếp thu ý kiến của DN để xem xét đảm bảo sự khả thi của Thông tư khi áp dụng vào thực tế.
Doanh nghiệp có thể chọn ghi hoặc không ghi xuất xứ hàng hóa trên nhãn, nếu chọn ghi thì bắt buộc phải theo những qui định trong Thông tư mới. Tuy nhiên, với Thông tư mới, nhiều doanh nghiệp không biết ghi thế nào cho đúng với từng trường hợp của mình.