Băn khoăn khảo thí độc lập
Điểm đáng lưu ý của phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020 (do Bộ GDĐT đề xuất) là học sinh sẽ thi trên máy tính nhiều lần trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo tiêu chí của Bộ GDĐT tổ chức.
Nhưng theo các chuyên gia, đến thời điểm này chưa thành lập trung tâm tâm khảo thí độc lập, trong khi muốn có những kết quả đáng tin cậy trong kỳ thi THPT quốc gia thì điều kiện cần là năng lực chuyên nghiệp của đội ngũ làm chuyên môn, điều kiện đủ là tính chất “độc lập” của quá trình tổ chức thực hiện khảo thí.
TS Lê Trường Tùng- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT bày tỏ băn khoăn, khi chưa có trung tâm khảo thí độc lập thì việc tổ chức thi ra sao? Nếu trung tâm khảo thí độc lập không thành lập được thì phương án thi mới không thực hiện được. Muốn thành lập được trung tâm khảo thí độc lập thì về mặt quản lý nhà nước cần có cơ chế đòn bẩy.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng thì lo lắng liệu hình thức thi trắc nghiệm có đánh giá năng lực thực chất của học sinh không?
Theo Dự thảo phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau 2020, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GDĐT. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, “độc lập” ở đây được hiểu là làm việc độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật, không chịu ảnh hưởng, không bị sự can thiệp ở bên ngoài làm sai lệch kết quả.
Để có thể áp dụng kỳ thi THPT quốc gia trên máy tính, ngay từ bây giờ, Bộ GDĐT phải đặt ra lộ trình thực hiện để lứa học sinh đầu tiên trong Chương trình GDPT mới áp dụng được kỳ thi này. Trong khi hiện nay chỉ có một trung tâm khảo thí độc lập tham gia vào đánh giá các trường ĐH chứ chưa có thử nghiệm trên kỳ thi tốt nghiệp. Các trung tâm khác thuộc các tổ chức xã hội cũng chưa làm chuyện này, số chuyên gia hiểu sâu và làm khảo thí cũng chưa nhiều. Điều này không thể không khiến người dân băn khoăn…