Ổn định kinh tế vĩ mô: Nền tảng cho cải cách

H.Vũ 05/10/2019 07:30

Ngày 4/10, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tọa đàm về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Đồng tình với việc đánh giá kinh tế năm 2019 tiếp tục khởi sắc, GDP tăng cao, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát ở mức thấp song nhiều đại biểu vẫn lo ngại khi chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn ở mức thấp, hiệu quả sử dụng nguồn lực khu vực công còn bất cập, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Ổn định kinh tế vĩ mô: Nền tảng cho cải cách

Tính chung trong 9 tháng, Việt Nam ước xuất siêu 5,9 tỷ USD, tương đương 3% kim ngạch xuất khẩu.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định

Trên cơ sở phân tích bối cảnh và tình hình nền kinh tế trong 9 tháng qua, ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, những kết quả đạt về kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua là tích cực. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP tăng 6,98%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 là 6,8%. Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Lạm phát ở mức thấp. Bình quân 9 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 3 năm qua. Khả năng đạt mục tiêu dưới 4% của Chính phủ chắc chắn đạt được…

Cùng đó, theo ông Dương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng, cho thấy nền kinh tế đã ứng phó hiệu quả với những bất định từ bên ngoài. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 10% trong quý III và tăng 8,2% trong 9 tháng qua. Về nhập khẩu, mức tăng kim ngạch ổn định, ở mức 8,9% trong quý III và 9 tháng đầu năm. Tính chung trong 9 tháng, Việt Nam ước xuất siêu 5,9 tỷ USD, tương đương 3% kim ngạch xuất khẩu. Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả rất tích cực. Tính từ đầu năm đến 20/9, cả nước cấp phép mới cho 2.759 dự án với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Việc Việt Nam thu hút nguồn ngoại tệ đáng kể từ đầu tư nước ngoài đã giúp bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như giảm áp lực đối với thị trường ngoại hối.

Theo đánh giá của ông Dương, có nhiều khả năng đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra trong năm nay. Trong đó, tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7,02%; lạm phát bình quân khoảng 2,78%; tăng trưởng xuất khẩu 8,13%.

Đẩy nhanh tiến độ cải cách môi trường kinh doanh

Tuy nhiên, cũng từ thực tế, nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng tăng trưởng. Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn ở mức thấp. Hiệu quả sử dụng nguồn lực khu vực công còn bất cập, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng còn chậm, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước còn quản lý lượng tài sản lớn, nhưng việc giao chỉ tiêu và đánh giá hiệu quả cho khu vực này còn chưa tương xứng. Tình trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn. Việc tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại vẫn là thách thức lớn khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mặc dù thời gian đàm phán và phê chuẩn không ngắn, song những rà soát, chuẩn bị về một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm.

Ổn định kinh tế vĩ mô: Nền tảng cho cải cách - 1

Chậm giải ngân đầu tư công kìm hãm tốc độ phát triển.

Liên quan đến “lực cản” đang tồn tại là giải ngân vốn đầu tư công, theo ông Nguyễn Anh Dương thì hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực công vẫn còn thấp hơn 2018. Hết tháng 9, số vốn giải ngân mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA. “Thực tế không ít rào cản chính sách, vấn đề thực thi đối với giải ngân đầu tư công đã được chỉ ra trước đây nhưng vẫn tồn tại, kể cả sau khi có Luật Đầu tư công sửa đổi. Việc này đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, bởi nguồn vốn ấy lẽ ra có thể được sử dụng với mục đích khác, hoặc ở khu vực khác với hiệu quả cao hơn”- ông Dương nói.

Để đạt được mục tiêu duy trì đà tăng trưởng, theo các đại biểu, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho cải cách. Trong đó, phải xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những bất ổn từ bên ngoài, quản lý dòng vốn nước ngoài không cho vào quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỷ giá cần thận trọng, linh hoạt hơn. Đồng thời, cần tiếp tục cải cách nền tảng kinh tế vi mô thông qua ban hành kịp thời các hướng dẫn thi hành luật, tránh nợ đọng; cải thiện môi trường kinh doanh, tư duy mở hơn với các vấn đề mới như cuộc CMCN 4.0, kinh tế số.

Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xây dựng động lực tự thân để cải cách môi trường kinh doanh là nhu cầu rất lớn tuy nhiên so với thời điểm năm ngoái các hoạt động cải cách trong 8 tháng qua cứ “lặng như tờ”, trong khi một số chính sách hỗ trợ quan trọng nhưng thực thi không hiệu quả. Theo đó, mặc dù đã có Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng đến địa phương hỏi có chính sách gì cho khối này không, thì hầu hết vẫn chưa có. Chưa kể, các DN còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro về thực thi chính sách điều này làm giảm hiệu quả phát triển kinh tế. Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, thực tiễn đang đi nhanh hơn rất nhiều so với chính sách, để đánh giá thực tiễn thì cần tập trung xây dựng và vận hành thể chế và đây sẽ là động lực để tăng tốc phát triển.

Nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối cùng để về đích hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2016-2020, ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần đánh giá về những khó khăn, thuận lợi, khả năng hoàn thành các mục tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu thu ngân sách đồng thời, làm rõ chất lượng tăng trưởng và xử lý nội tại các vấn đề của nền kinh tế mà nhiều năm nay chưa xử lý được như cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, chất lượng nguồn nhân lực.

H.Vũ