Kinh tế tư nhân chờ động lực để bứt phá

Hồ Hương 05/10/2019 08:00

Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 9 tháng năm nay, cả nước có gần 102,3 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% về số DN và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 26,6%.

Kinh tế tư nhân chờ động lực để bứt phá

Một biếm họa cho thấy doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nếu tính cả 1.730,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2019 là 3.021,2 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, môi trường kinh doanh ổn định đã giúp cho DN gia nhập thị trường một cách dễ dàng hơn. Được xem là khu vực kinh tế quan trọng, song trên thực tế đóng góp thực của DN còn hạn chế.

Những phân tích được chỉ ra, số DN “nhỏ và siêu nhỏ” vẫn chiếm 95-96% tổng số doanh nghiệp, số DN “vừa” chỉ chiếm khoảng 1,7% tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu quan trọng. Dù khối DN tư nhân có bước phát triển mạnh, đã bắt đầu xuất hiện DN nổi lên đảm nhiệm công việc lớn như xây đường băng, sân bay, cầu cảng… Tuy vậy khối DN này đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt, thể hiện qua lượng doanh nghiệp mới tăng rất cao nhưng số bị thải loại cũng cao.

Để kinh tế tư nhân bứt phá, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những giải pháp để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó tập trung giải tỏa các vấn đề căn bản - dài hạn: cơ cấu và cơ chế. Theo đó, cần tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó quy định giữa luật và những nghị định, nhiều văn bản hướng dẫn còn nhiều mâu thuẫn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư ở các địa phương cũng như cơ hội đầu tư của DN.

Theo TS Nguyễn Đình Cung thì hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thật chi tiết nên công chức các cấp tự cho có quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN. Mà điều đó khiến DN tư nhân mất thời cơ, tốn kém và nhụt chí. Tuy rằng đã hơn 2 năm NQ 10 có hiệu lực, kinh tế tư nhân không chỉ còn là “một trong những động lực”mà đã nâng lên là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế, nhưng trên thực tế DN tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản, vẫn “khó lớn”.

Hồ Hương