Tự chủ chớ có nửa vời
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện (BV) công lập. Tại đây, những mặt được của tự chủ BV đã được ghi nhận, nhưng nhiều mặt trái và nút thắt của việc thực hiện cơ chế tự chủ trên thực tế đã được các thành viên Ủy ban chỉ rõ. Theo đó, tự chủ hiện nay đang trong tình trạng rất nửa vời, các BV được giao tự chủ nhưng không được tự quyết.
Vấn đề này không phải được đề cập lần đầu tiên, những cái khó của tự chủ BV công lập đã từng được chỉ ra trước đó. Các phân tích cũng cho thấy, tồn tại, hạn chế trong tự chủ BV xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các BV công lập. Hiện nay, công tác kiểm toán trong lĩnh vực y tế hiện mới chú trọng kiểm tra đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả đối với cơ chế tự chủ trong các BV công lập để từ đó có đánh giá, kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước…
Trong phiên họp ngày 3/10 vừa qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã dành hơn 3 giờ đồng hồ để yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam... giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với BV công lập. Đây là vấn đề bức bách hiện nay nhưng trách nhiệm của các bộ, cơ quan liên quan chưa rõ. Nhiều thành viên Ủy ban nhấn mạnh, chủ trương rất đúng, trên thực tế đã đem lại nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn tổng thể việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng.
Vậy thì điều kiện cần và đủ để tự chủ BV là gì? Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để các BV tự chủ được về nhiệm vụ chuyên môn thì phải có đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, nguồn tài chính để thực hiện. Thực tế hiện nay, vấn đề này đang có sự chênh lệnh khá lớn giữa các tỉnh, thành phố, giữa các tuyến. Bên cạnh đó, nhiều BV, trung tâm y tế huyện, bệnh viện y học cổ truyền, BV điều dưỡng phục hồi chức năng... cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động; dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định. Một vấn đề đáng lưu ý nữa là sự chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các BV, cơ sở y tế vùng khó khăn; đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm, từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư…
Ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này? Và bao giờ thì tháo gỡ được để tạo điều kiện cho các BV công thực sự phát huy được những tác động tích cực của cơ chế tự chủ? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, khi tự chủ BV mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh thì cần nhiều nhân lực hơn, nhưng vì “đụng” đến biên chế nên rất khó vì thẩm quyền này không thuộc Bộ Y tế mà của Bộ Nội vụ.
Nhưng tại phiên giải trình này, ý kiến của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ cũng vẫn còn “vênh” nhau. Lãnh đạo Bộ Nội vụ thì cho rằng Bộ này đã phối hợp với Bộ Y tế chủ động tháo gỡ, “cởi trói” vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, tuyển dụng không chỉ với các BV tự chủ mà với cả các BV có nhu cầu. Bộ Nội vụ khẳng định không có vướng mắc nào cả…
Thực tế thực hiện thí điểm tự chủ BV nói riêng và một số lĩnh vực khác cũng đã được chỉ ra thời gian qua, rằng ở trên Bộ làm thì không sai, nhưng về địa phương thì vận dụng rất máy móc chủ trương tinh giản biên chế. Như thế, xem ra còn có quá nhiều cái khó để các BV được tự chủ một cách đúng nghĩa. Hay nói cách khác là từ chủ trương đến thực hiện vẫn còn một khoảng cách không hề nhỏ.
Nhân nói chuyện về cơ chế tự chủ, không riêng ở lĩnh vực y tế, hiện tự chủ trong giáo dục ĐH cũng là mối quan tâm của dư luận. Gần đây nhất, những ồn ào xung quanh câu chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng một lần nữa khiến dư luận băn khoăn: Mối quan hệ giữa trường ĐH và cơ quan chủ quản cần hiểu thế nào cho đúng? Quyền của mỗi bên trong quá trình tự chủ ra sao? Cùng với đó, nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra: Nếu không sớm tháo gỡ những nút thắt, thì tự chủ ĐH tuy là chủ trương lớn và được nhiều kỳ vọng nhằm tạo ra sự đổi thay ở bậc đào tạo này, nhưng thực tế triển khai rất ì ạch, chẳng khác nào chuyện “bình mới rượu cũ”.
Việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng cải cách tài chính công, với cơ chế vận hành của thị trường. Nhưng rõ ràng phải là tự chủ một cách hiệu quả, minh bạch, quyết không phải là tự chủ nửa vời, mà chính những người trong cuộc cũng không biết đến khi nào họ mới được giao thực quyền.