Iraq trong cơn hỗn loạn: Ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô Baghdad
Con số người chết trong các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát trên khắp Iraq đã lên tới 46 người trong hôm 4/10, phần lớn trong số này thiệt mạng chỉ trong vòng 24 giờ, trong bối cảnh tình trạng bất ổn ở quốc gia này nhanh chóng leo thang và vị giáo sỹ quyền lực nhất đổ lỗi cho các chính trị gia.
Làn sóng biểu tình lan rộng khiến đất nước Iraq bất ổn. Nguồn: Reuters.
Bạo lực gia tăng
Các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ bùng nổ ở Baghdad từ ngày 1/10 rồi lan rộng sang nhiều thành phố khác của nước này. Người biểu tình lên án Chính phủ tham nhũng, không có chính sách cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Cảnh sát đã dùng vòi rồng, hơi cay và đạn thật để giải tán đám đông.
Thủ tướng Adel Abdul Mahdi hôm qua đã ban hành lệnh giới nghiêm ở Baghdad. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Iraq quyết định đặt toàn bộ các đơn vị quân đội trong tình trạng báo động cao. Trước tình hình bất ổn, Iran cũng đã tạm thời đóng cửa hai cửa khẩu vào Iraq.
Theo lực lượng bảo vệ biên giới Iran - Iraq, hai cửa khẩu Khosravi và Chazabej đã được đóng lại từ tối 2/10. Trong 2 cửa khẩu này, có 1 cửa khẩu được nhiều người hành hương Iran sử dụng vào dịp hành hương của người Hồi giáo dòng Shiite hướng về Iraq.
Cùng ngày, tại Iraq, các cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ 3 liên tiếp. Cảnh sát chống bạo động đã phải nổ súng cảnh cáo hàng chục người biểu tình tập trung tại quảng trường Tahrir bất chấp lệnh giới nghiêm được Chính phủ ban bố áp dụng tại thủ đô Baghdad. Dịch vụ Internet hoàn toàn bị cắt tại tất cả các tỉnh của Iraq.
Trong một đoạn phát biểu hiếm hoi, ông Ayatollah Ali al-Sistani, vị giáo sỹ có quyền lực nhất tại Iraq, đã kêu gọi những người biểu tình và lực lượng an ninh tránh tình trạng bạo lực. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu các phe phái chính trị trong nước đáp ứng các yêu sách mà người biểu tình đưa ra.
“Thật là thảm kịch khi có quá nhiều người chết, người bị thương cùng sự hủy diệt đã xảy ra” - ông Sistani nói - “Chính phủ và các phe phái chính trị đã không đáp ứng được yêu sách của người dân trong việc chống lại nạn tham nhũng. Quốc hội là bên chịu trách nhiệm lớn nhất cho những gì đang diễn ra”.
Trong khi đó, trong một bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình tối hôm 3/10, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi nói ông hiểu về sự bất bình của người dân, nhưng hiện không thể có một “giải pháp kỳ diệu” cho các vấn đề của Iraq. Ông cũng cam kết sẽ thực thi nhiều biện pháp cải cách, dù cho lời hứa này không nhận được sự ủng hộ của những người biểu tình.
Trong tối hôm 3/10, rất nhiều người dân đã đổ ra các tuyến phố ở thủ đô Baghdad và thiêu rụi một chiếc xe thiết giáp của lực lượng an ninh. Nhóm người này sau đó kéo tới khu vực gần sông Tigris, sát với khu vực có đặt các trụ sở cơ quan chính phủ Iraq.
“Phép thử” đối với chính quyền Thủ tướng Abdul Mahdi
Tình trạng bất ổn ở Iraq xuất phát từ sự phẫn nộ của người dân trước tình trạng mức sống giảm và nạn tham nhũng hoành hành. Đây được xem là thách thức lớn nhất về mặt an ninh mà Iraq phải đối diện kể từ sau khi đánh bại tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng năm 2017. Đây là cũng là phép thử đầu tiên đối với chính quyền Thủ tướng Abdul Mahdi, người lên nắm quyền lực hồi năm ngoái.
Tình trạng bất ổn cũng xảy ra ngay trước lễ hành hương Arbaeen của người Hồi giáo dòng Shi’ite, mà trong những năm gần đây đã thu hút được hơn 20 triệu người - số lượng người tham gia còn lớn hơn cả lễ hội Hajj ở thánh địa Mecca.
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho người dân Iraq phẫn nộ chính là tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ tuổi ở mức cao đến đáng kinh ngạc, chiếm khoảng 25%, tức gấp đôi tỷ lệ trung bình - theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Căng thẳng đã trở nên trầm trọng hơn khi tình trạng biểu tình khiến các cơ quan của Chính phủ đóng cửa, trong khi giáo sĩ Moqtada al-Sadr của người Shi’ite kêu gọi “một cuộc tổng đình công”.
Trong bối cảnh tình trạng bạo lực xảy ra khó kiểm soát như hiện nay ở Iraq, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đều kêu gọi người biểu tình kiềm chế, trong khi Tổ chức Ân xá quốc tế (IA) đã phản ứng gay gắt trước tình trạng bạo lực tại các cuộc biểu tình.
“Thật phẫn nộ khi lực lượng an ninh Iraq hết lần này đến lần khác đối phó với những người biểu tình một cách quá cứng rắn. Việc họ sử dụng vũ khí gây chết người là hoàn toàn không cần thiết”- bà Lynn Maalouf, thuộc Tổ chức Ân xá, nói.
Để phản ứng trước phát ngôn trên, trong bài phát biểu sáng ngày 4/10, Thủ tướng Abdel Mahdi khẳng định các lực lượng an ninh đã tuân thủ “các tiêu chuẩn quốc tế” trong cách họ đối phó với người biểu tình.