Dạy thêm, học thêm: Băn khoăn cấm hay không cấm
Theo thống kê của Sở GDĐT TPHCM trên cổng thông tin điện tử, hiện thành phố có 282 đơn vị được cấp giấy phép dạy thêm, học thêm tại 338 địa chỉ. TPHCM sẽ ngưng tiếp nhận cấp phép dạy thêm, học thêm với những trường hợp mới. Cả nước cũng sẽ phải ngưng cấp phép do một số điều của Thông tư 17/2012, quy định về dạy thêm, học thêm đã hết hiệu lực.
Việc đi học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của người học chứ không phải từ người dạy.
Ngưng cấp phép mới
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký và ban hành Quyết định 2499 về việc công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư 17/2012, quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo Quyết định này các điều hết hiệu lực của Thông tư 17/2012 quy định về dạy thêm, học thêm gồm Điều 6, 8, 9,10, 11, 12, 13 và 14. Cụ thể, các điều hết hiệu lực trong Thông tư 17 gồm: Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (Điều 6); Yêu cầu đối với người dạy thêm (Điều 8); Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 9); Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm (Điều 10); Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 11); Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 12); Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 13); Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 14).
Như vậy, với Quyết định 2499, cả nước sẽ ngừng cấp phép dạy thêm. Tuy nhiên, Quyết định 2499 mới ban hành ngày 26/8/2019, trong khi đó nêu các Điều 6,8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 hết hiệu lực từ 1/7/2016. Câu hỏi đặt ra là những đơn vị được cấp phép trong khoảng thời gian từ 2/7/2016 tới ngày 25/8/2019 sẽ được xử lý như thế nào.
Hiện tại, một số địa phương đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 2499 của Bộ GDĐT.
Sở GDĐT TPHCM ban hành văn bản 3515 về việc thực hiện Quyết định 2499 của Bộ GDĐT. Theo đó việc dạy thêm, học thêm thực hiện đúng theo quy định tại Điều 3, 4 của Thông tư 17. Cụ thể, Điều 3 quy định về nguyên tắc dạy thêm, Điều 4 quy định về các trường hợp không được dạy thêm.
Sở GDĐT TP ngưng tiếp nhận hồ sơ xin phép tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn từ ngày ban hành văn bản (30/9/2019). Riêng các trường hợp đã được tổ chức cấp phép dạy thêm, học thêm (cả trong thời gian từ 2/7/2016 tới ngày 25/8/2019) vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Sở GDĐT Hà Tĩnh cũng vừa ban hành văn bản số 1650/SGDĐT-GDPT về việc thực hện Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ GDĐT về dạy thêm, học thêm. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Bộ GDĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp phép dạy thêm học thêm, vì vậy Sở óHà Tĩnh đề nghị các trường THPT, THCS trên địa bàn toàn tỉnh chưa làm hồ sơ xin cấp phép dạy thêm học thêm; các phòng GDĐT chưa cấp phép dạy thêm, học thêm năm học 2019 - 2020.
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều
Nhân câu chuyện giấy phép về dạy thêm học thêm đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên tiếp tục ngưng cấp vĩnh viễn giấy phép dạy thêm, học thêm này không? Và trên thực tế nhiều thầy cô dù không có giấy phép dạy thêm nhưng vẫn công khai dạy thêm tại nhà với khá đông học sinh theo học nhưng hầu như chưa bao giờ bị thanh tra.
Hiện tượng này không phải là cá biệt khi trên nhiều diễn đàn, các bậc phụ huynh nhân dịp này kể lại lịch học căng thẳng của con mình từ sau khi tiếng trống tan trường của con vang lên! Một hành trình vất vả hơn rất nhiều khi con di chuyển từ lớp học thêm này tới lớp học thêm khác với “miếng bánh mì ăn vội trên yên xe máy” – hình ảnh quen thuộc dễ dàng bắt gặp ở các ngả đường giờ tan học. Sau đó về nhà, các em vẫn phải hoàn thành khối lượng bài tập cô giáo giao không thiếu một trang.
Tuy nhiên, khi được hỏi ngược lại sao không để con tự học ở nhà mà phải đua hết lớp này đến lớp khác, có bậc phụ huynh thẳng thắn chia sẻ: “Có lớp học con đi là vì cô giáo mở lớp nên không thể không đi. Nhưng cũng có lớp học thực sự cần thiết để nâng cao kiến thức của con, để ứng phó với các cuộc thi vượt cấp sắp tới cần vào trường điểm nên chỉ kiến thức đại trà thôi không đủ” - một người mẹ có con học lớp 9 ở Hà Nội chia sẻ.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Dục Quang- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, Chương trình sách giáo khoa là được viết cho giáo dục phổ thông, dành cho số đông học sinh ở khắp các vùng miền trên cả nước. Còn những em có khả năng hơn thì gia đình cần đầu tư thêm bằng các cách khác nhau như tăng cường các tiết học nâng cao, học thêm… Trường chuyên lớp chọn chỉ dành cho một số ít học sinh nên không thể yêu cầu giáo dục đại trà ôm đồm cả các kiến thức hàn lâm, vì số đông học sinh sẽ khó tiếp thu được cũng như tính ứng dụng trong thực tế không nhiều.
Chia sẻ quan điểm này, GS.TS Đinh Quang Báo- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là Phó Giám đốc kỹ thuật Dự án Chương trình và sách giáo khoa mới (Bộ GDĐT), cho biết: Phương pháp giáo dục của mỗi gia đình là khác nhau. Mỗi giáo viên cũng có cách truyền đạt riêng và mỗi học sinh cũng có mức độ nhận thức khác nhau nên ở trên lớp, giáo viên cần cố gắng truyền đạt hết các kiến thức mà chương trình và sách giáo khoa yêu cầu. Đảm bảo nhận thức chung tất cả các em đều cần phải đạt được về kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, thời gian học tập trên lớp có hạn với số lượng học sinh khá đông nên không thể yêu cầu vừa kèm cặp cho học sinh yếu khá hơn, vừa dạy kiến thức nâng cao cho học sinh khá giỏi. Cũng tương tự như việc giao bài tập về nhà cần phù hợp với lứa tuổi nhận thức và trình độ của học sinh. Nguyên tắc chung là không nên quá nặng nề chuyện bài tập về nhà, khiến con cái mỗi ngày đều ngập trong núi bài tập, sách vở đến mức… sợ học.
GS Đinh Quang Báo kể lại câu chuyện ông gặp trong thang máy. Một người mẹ đón con từ trường về, chị nhắc con về làm bài tập ngay, sau đó ăn cơm nhanh để mẹ lại đưa đến lớp học tiếng Anh. “Trẻ con không còn thời gian nào để thở cả”- GS Báo nói.
Học thêm là nhu cầu chính đáng của một bộ phận phụ huynh và học sinh. Song để việc dạy thêm không trở thành gánh nặng hay nỗi ám ảnh của phụ huynh và học sinh, của xã hội thì việc đi học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của chính người học chứ không phải từ người dạy. Trách nhiệm của các cấp quản lý là phải kiểm tra được chất lượng dạy học của giáo viên đứng lớp đối với học sinh? Liệu có tình trạng cố tình bớt giờ dạy hay không? Cố tình không giảng hết cho học sinh để buộc học sinh phải đi học thêm không? Nếu như vẫn đảm bảo những điều này thì giáo viên có thể hoàn thiện các thủ tục để cấp phép dạy thêm theo đúng quy định của pháp luật.