Chung tay xây dựng những ‘miền quê đáng sống’
Ngày 5/10, tại Thanh Hóa, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm chuyên đề MTTQ tham gia vận động, giám sát xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và thực hiện pháp luật về an toàn giao thông. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì buổi tọa đàm.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi tọa đàm.
Tham dự có các đại diện Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia XD NTM, Ủy ban ATGT Quốc gia; đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của 12 tỉnh trong cả nước.
Những kết quả đáng khích lệ
Theo nội dung báo cáo được bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đọc tại diễn văn khai mạc cho thấy: Tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.554 xã (51,6%) đã được công nhận nông thôn mới, tăng 34,01% so với cuối năm 2015.
Thực hiện chương trình XDNTM, MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình và phong trào “Cả nước chung sức XDNTM” và cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí XDNTM trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”. Tổ chức chỉ đạo điểm và xây dựng mô hình NTM; Phát động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay XDNTM”, tổ chức ký giao ước thi đua; tổ chức các hội nghị tập huấn, tọa đàm, tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm về XDNTM.
Thực hiện hỗ trợ nguồn lực XDNTM thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội”. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, MTTQ Việt Nam các cấp đã động viên nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào cả nước chung sức XDNTM, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. MTTQ các cấp đã hướng dẫn nhân dân tham gia giám sát, phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc giám sát các nội dung, dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn.
MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai thực hiện lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả XDNTM. Song, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Công tác hiệp thương giữa MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện XDNTM còn hạn chế, còn có sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện; công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp đối với nội dung XDNTM hiệu quả còn hạn chế; một số cơ chế, chính sách về nông dân, nông thôn trong XDNTM chưa được giải quyết kịp thời…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong XDNTM, tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định công nhận 312 xã đạt chuẩn NTM, 5 huyện được Thủ tướng có Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM và Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định TP Thanh Hóa đạt chuẩn NTM và có 4 xã hoàn thành xã NTM nâng cao...
Thanh Hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo, như: XDNTM gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp; phong trào chung sức XDNTM gắn với xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu; Quy hoạch tổng thể XDNTM cấp xã, huyện; ban hành tiêu chí thôn, bản NTM; đánh giá sự hài lòng của người dân trong XDNTM… được Trung ương đánh giá cao và nhân rộng trong cả nước.
Hiện Thanh Hóa đang tập trung xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, nên vai trò của MTTQ là rất quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào. Giám sát quá trình thực hiện XDNTM, vận động và tiến hành lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong XDNTM.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền,vận động nhân dân XDNTM, nhất là tuyên truyền vận động nhân dân hiến kế, hiến đất, đóng góp nguồn lực NTM; công tác vận động, phát huy vai trò giám sát của người dân trong XDNTM. Trong đó, nhiều đại biểu đã đặc biệt quan tâm đến công tác lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong XDNTM.
Nói về vấn đề này, ông Hà Văn Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Đối với những nội dung qua quá trình tổ chức lấy phiếu, sự hài lòng của người dân đạt tỷ lệ chưa cao, nhân dân còn băn khoăn, Ủy ban MTTQ tỉnh phải cùng với địa phương phân tích nguyên nhân, lý do, tâm tư của nhân dân, có văn bản kiến nghị, đề xuất BCĐ các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện và các sở, ngành có liên quan để có kế hoạch, biện pháp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ địa phương nâng cao tiêu chí bảo đảm theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cũng cho biết: Đến nay, toàn huyện đã có 9/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào xây dựng NTM của huyện đang hết sức khi thế và hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM ở các xã khi mới triển khai vẫn còn lúng túng.
“Theo hướng dẫn của Trung ương, việc lấy ý kiến phải được tổ chức có trên 60% số hộ gia đình ở các khu dân cư, tuy nhiên trên thực tế tại một khu dân cư có số lượng dân đông nên rất khó khăn trong việc tổ chức hội nghị toàn dân, do đó để đảm bảo tỷ lệ hộ dân được lấy ý kiến, Ban Công tác Mặt trận phân công các thành viên tổ chức phát phiếu đến tận hộ gia đình, sau khi hộ gia đình điền vào phiếu đánh giá, các thành viên trong ban tổ chức gom phiếu, là việc làm đòi hỏi nhiều thời gian, tuy nhiên việc bố trí kinh phí cho nhiệm vụ này chưa được quan tâm đúng mức”, bà Giang cho biết.
Đóng góp ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm, ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, Quảng Bình đã có 62 xã về đích NTM. Dự kiến cuối năm 2019, có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 74 xã, đạt 54,4%. Mặc dù đã đạt được những thành quả khả quan trong XDNTM, tuy nhiên, nông thôn tỉnh Quảng Bình còn đang gặp rất nhiều khó khăn…
Ông Trần Quang Minh cũng đề nghị Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển sản xuất cho khu vực nông thôn miền núi của tỉnh.
Các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến xung quanh nội dung buổi tọa đàm.
Nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông
Một nội dung khác được các đại biểu quan tâm và dành khá nhiều thời gian để trao đổi là việc thực hiện pháp luật ATGT. Trong thời gian qua, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giảm thiểu TNGT.
UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai chương trình “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2016 – 2021 đến cộng đồng dân cư trong cả nước. Nhiều địa phương đã xây dựng và tổ chức hoạt động các tổ tự quản ở cơ sở, như “Khu dân cư bảo đảm an toàn giao thông”, “khu dân cư giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, “khu dân cư 5 không”… các mô hình đã phát huy được hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quyền cho biết: Về tình hình trật tự an toàn giao thông tại tỉnh Thanh Hóa trong những tháng vừa qua có diễn biến gia tăng tai nạn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông; sự gia tăng của phương tiện giao thông trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng được; công tác thanh tra, kiểm soát chưa chặt chẽ… Vì vậy, vai trò của MTTQ là rất quan trọng trong tuyên truyền nâng cao ý của người dân khi tham gia giao thông.
Ông nguyễn Đức Quyền đề nghị MTTQ các cấp của tỉnh cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân trong đảm bảo an toàn giao thông; Phối hợp với các cơ quan ban ngành phát hiện những điểm đen có khả năng xảy ra tai nạn giao thông để kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu từ cấp , thể hiện tinh thần cao của MTTQ các cấp trong việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, trong đó có chủ trương xây dựng nông thôn mới và an toàn giao thông. Các ý kiến cũng đã rất thẳn thắng, đóng góp cụ thể của các đại biểu.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị trong thời gian tới MTTQ các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới; lựa chọn nội dung tuyên truyền cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó tập trung tuyên truyền nhân dân về quy hoạch chỉnh trang đường nông thôn, khuôn viên nhà cửa, xử lý rác thải sinh hoạt; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, cộng đồng; chọn nội dung giám sát cho chất lượng, hiệu quả như vấn đề an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy; từ đó có kiến nghị với cấp ủy, chính quyền giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
Về việc thực hiện pháp luật ATGT, bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng mong muốn MTTQ các cấp cũng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân trong đảm bảo an toàn giao thông; Phối hợp với các cơ quan ban ngành phát hiện những điểm đen có khả năng xảy ra tai nạn giao thông để kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết.
Trước đó, đoàn công tác đã có chuyến đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân; thăm các mô hình sản xuất giỏi huyện Thọ Xuân và thăm quan khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.