Mỹ phẩm siêu rẻ tràn lan thị trường
Mặc dù biết rõ rằng sử dụng các mỹ phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc có thể gây ra những hậu họa khôn lường đối với sức khỏe, tuy nhiên, với tâm lý ham rẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn bất chấp các nguy cơ, vẫn tìm mua các mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. Chính tâm lý này cũng là một trong những hành vi tiếp tay cho vấn nạn mỹ phẩm giả tràn lan.
Các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán công khai. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Mỹ phẩm giá vài chục ngàn hút sinh viên
“Một thỏi son chỉ có giá khoảng 50 ngàn, hộp phấn chỉ vài chục ngàn, các loại sữa rửa mặt chưa đến trăm ngàn, cả các loại nước hoa, kem dưỡng… đều có hết tại các chợ, hầu như chợ nào cũng có. Chỉ với khoảng vài trăm ngàn đồng cũng có thể ôm về một mớ mỹ phẩm các loại” – Nguyễn Lan Anh, cô sinh viên năm nhất Trường Đại học Thương mại hào hứng cho biết. Theo cô sinh viên này, cô và các bạn cùng lớp thường đi chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy) để mua mỹ phẩm vì giá rất bình dân, hợp với đời sống sinh viên.
Dạo quanh chợ Nhà Xanh, có thể thấy các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán công khai. Chị T.T., chủ một quầy mỹ phẩm tại chợ này cho biết, muốn mua bất kỳ loại sản phẩm nào cũng có, từ hàng bình dân đến cao cấp, hàng nhập từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng không thiếu. Đưa cho tôi một sản phẩm nước hoa nhãn hiệu Chanel, chị T. báo giá: 500.000 đồng thôi, đố em mua được ở đâu nước hoa xịn với giá “hời” như vậy. Được biết, giá trị thật của sản phẩm này lên đến hơn 5 triệu đồng/ sản phẩm. Chị T. cũng không quên quảng cáo thêm: “Em cần bất cứ loại nước hoa “hàng hiệu” nào cũng có, giá thì dễ chịu thôi rồi”. Hỏi sang các sản phẩm trang điểm khác như phấn, son, chị chủ cửa hàng cũng đon đả mời chào rất nhiều sản phẩm thuộc các hãng “tên tuổi” thế nhưng giá lại rất… bèo.
Dạo một vòng quanh các chợ Phùng Khoang, Đồng Xuân, chợ đêm Phố cổ, cũng dễ dàng thấy la liệt các quầy hàng bầy bán mỹ phẩm các loại, không thiếu một sản phẩm gì: Nước hoa, sữa rửa mặt, son môi, phấn mắt, phấn trang điểm, dầu tắm, dầu gội đầu, kem chống nắng… Tất cả các sản phẩm này đều có chung một đặc điểm: Không có tem nhãn nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng… và nhất là giá thì rẻ hơn nhiều lần so với các sản phẩm mỹ phẩm chính hãng.
Theo chia sẻ của chủ một quầy mỹ phẩm tại chợ đêm Phố cổ, khách hàng mua các sản phẩm này chủ yếu là sinh viên, công nhân, người lao động, vì giá phù hợp với thu nhập của họ. Khi được hỏi những nguy cơ cho khách hàng khi sử dụng những sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vị chủ cửa hàng cho hay: Tôi bán lâu nay chưa thấy có khách hàng nào phàn nàn là có vấn đề gì xảy ra cả. “Vả lại, tôi bán theo nhu cầu của khách, loại bình dân có, loại cao cấp cũng có, thuận mua vừa bán thôi. Nếu lo thì chịu khó bỏ thêm tiền ra mua loại cao cấp” – chị chủ hàng trả lời một cách dửng dưng.
Không chỉ tràn lan tại các chợ truyền thống, mỹ phẩm rẻ tiền, không có nguồn gốc xuất xứ còn được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, chủ yếu được các chủ shop rao là “hàng xách tay”, “hàng chính hãng sale khủng”… Người tiêu dùng chỉ vì ham rẻ sẵn sàng rước về những sản phẩm có thể gây nguy hại khôn lường đến sức khỏe của mình. Trong khi đó, nắm bắt được nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ, nhiều chủ kinh doanh mỹ phẩm đã nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc để bán kiếm lời.
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán công khai. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Loại bỏ tâm lý ham rẻ
“Một vốn bốn lời, tội gì không làm, trong khi người ta bán đầy ra đấy, có ai bị làm sao đâu” – câu trả lời của bà Tr., chủ một quầy mỹ phẩm tại chợ Đồng Xuân khiến ai cũng nhận ra rằng, lợi nhuận đang làm mờ mắt, mờ lương tâm của không ít thương nhân. Song, trách họ một phần, mặt khác cũng cần phải thấy rõ, dường như vai trò của nhà quản lý đối với thị trường này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Trên thực tế, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý các vụ vi phạm rất thấp, trong khi đó các sản phẩm mỹ phẩm giả vẫn đang được bày bán công khai ở khắp nơi, khắp các chợ, từ thành thị đến nông thôn, miền núi.
Trong thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước liên tục phát hiện kho hàng mỹ phẩm nhập lậu với số lượng vô cùng lớn. Đơn cử, đầu tháng 9 vừa qua, Đội QLTT số 4 TP. Móng Cái (Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh) đã khám kho hàng tầng 2, mặt sau số nhà 58 đường Trần Phú, phường Trần Phú. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu, gồm 26.438 đơn vị mỹ phẩm các loại như: 10.754 thỏi son, 3.444 tuýp kem nền, 2.260 miếng đắp mặt nạ, 1.612 hộp phấn đánh mắt (6 màu), 1.200 chiếc bút kẻ mi mắt, 1.062 lọ kem dưỡng da và các sản phẩm khác như dầu gội, phấn, sơn móng tay, kem chống nắng, sữa rửa mặt... Cùng thời điểm đó, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng tiến hành kiểm tra một kho hàng tại thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), phát hiện, thu giữ trên 1.600 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu đang tập kết tại kho.
Riêng tại thị trường Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 170 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hành chính là 1,547 tỷ đồng, giá hàng hóa vi phạm 2,507 tỷ đồng, tịch thu, buộc tiêu hủy 42.744 sản phẩm.
Trên đây chỉ là một vài sự vụ bị cơ quan QLTT bắt giữ, song đã cho thấy số lượng mỹ phẩm giả, nhái lớn đến mức nào. Con số này nếu trót lọt và được đưa ra thị trường thì bao nhiêu người tiêu dùng sẽ “lãnh trọn” số hàng hóa kia, để những kẻ bán hàng bất nhân sẽ được hưởng một món lợi nhuận khủng đến mức nào?
Ai cũng biết rất rõ những nguy cơ đối với sức khỏe con người nếu sử dụng phải các sản phẩm mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh hưởng nhẹ thì bị viêm da, nặng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, chỉ vì tâm lý ham rẻ, không ít người tiêu dùng vẫn đang từng ngày từng giờ tự hủy hoại sức khỏe của mình bằng cách dễ dãi bỏ tiền ra mua những sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo thông tin từ Cục QLTT Hà Nội, hiện thủ đoạn buôn bán mỹ phẩm lậu khá tinh vi. Chủ đầu nậu đặt hàng bên Trung Quốc, được biến tướng dưới hình thức nhập nguyên liệu và bao bì rời, sau đó đóng gói tại Việt Nam. Bất cập trong kiểm soát mỹ phẩm hiện nay là cá nhân tự công bố chất lượng rồi sản xuất sản phẩm, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm về thành phần, chất lượng sản phẩm. Lợi dụng sơ hở này, nhiều cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối đã công bố thành phần sản phẩm một đằng rồi sản xuất một nẻo.
Như vậy, có thể thấy, muốn chống được vấn nạn mỹ phẩm giả, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, và quan trọng hơn, chính bản thân người tiêu dùng cũng cần phải loại bỏ tâm lý ham rẻ, lựa chọn những sản phẩm mỹ phẩm chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu không, chính sự dễ dãi của người tiêu dùng cũng là hành vi tiếp tay cho sự xâm nhập tràn lan, tạo đất sống cho vấn nạn mỹ phẩm giả.
Bộ Công thương vừa phê duyệt kế hoạch kiểm tra các mặt hàng kinh doanh trên thương mại điện tử nhằm chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chiến dịch thanh, kiểm tra được bắt đầu từ tháng 10/2019 và kéo dài đến hết năm 2020. Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết: Các sản phẩm trọng điểm được thanh tra đợt này tập trung ở các nhóm trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép. Đợt kiểm tra này sẽ tập trung vào tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Đồng thời thanh tra, kiểm tra cả với các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm.