'Tự chủ không phải là tự bơi'
Ngày 5/10, phát biểu tại Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tự chủ đại học (ĐH) cùng với đổi mới và sáng tạo là một xu hướng tất yếu ở các quốc gia trên thế giới và cũng như ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề tự chủ ĐH cho dù đã được bàn luận bấy lâu nay thì vẫn cần được xác định rõ hơn, nhất là ở lĩnh vực tài chính và tổ chức bộ máy, nhân sự. Nếu tự chủ ĐH như một xu hướng tất yếu thì liệu cơ quan quản lý nhà nước có muốn “buông quyền” hay không, và các trường sau khi tự chủ có lạm thu của người dân hay không.
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng 1.000 ĐH tốt của thế giới, trong số 1.400 ĐH được khảo sát.
Giáo dục và Y tế là hai lĩnh vực rất quan trọng của bất kỳ quốc gia. Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì nếu coi các lĩnh vực công là thành viên của một đội bóng đá thì không bao giờ đặt Y tế và Giáo dục ở vị trí tiền đạo, mà là ở vị trí tiền vệ. Vì rằng, nếu hai lĩnh vực này tự chủ hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài, dẫn tới việc lạm thu quá sức chi trả của người dân. Cùng đó, trách nhiệm giải trình của cơ sở tự chủ chưa tương xứng với mức độ tự chủ sẽ gây ra tình trạng tham nhũng, thất thoát.
Từ đó, đúng đắn nhất là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát. Phó Thủ tướng cho rằng, tự chủ ĐH không có nghĩa là các trường ĐH hoàn toàn tự túc, “tự bơi” về mặt tài chính mà là được chủ động hơn về nhiều mặt, trong đó có các quyết định về tài chính.
Trên thực tế, trong quá trình đổi mới giáo dục, đổi mới ĐH, từ những năm 90 của thế kỷ XX, chúng ta cũng đã khởi động quá trình thực hiện tự chủ ĐH, mang tính thử nghiệm, từ tự chủ tài chính tới tự chủ trong học thuật, tổ chức bộ máy, nhân sự. Tới nay, chỉ riêng lĩnh vực cơ cấu lao động thì trường ĐH tự chủ đang hoạt động theo hướng tăng giảng viên, giảm lao động gián tiếp. Giảng viên chính, số lượng giáo sư, phó giáo sư ở trường tự chủ tăng nhanh, đạt 9,2%/năm so với trường không tự chủ với mức tăng chỉ 3,2%/năm.
Cũng rất cần một cái nhìn thực sự khách quan về hệ thống ĐH của nước ta. Cho đến nay, với giáo dục phổ thông, chúng ta có khá nhiều trường tên tuổi, danh giá trong từng vùng và trên phạm vi cả nước. Nhưng với hệ thống ĐH, thì con số đó rất hiếm hoi. Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam mới có 2 ĐH lọt vào bảng xếp hạng 1.000 ĐH tốt của thế giới (trong tổng số 1.400 ĐH được khảo sát). Công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về học thuật tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ), 2 ĐH của Việt Nam là ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, ĐHQG TPHCM nằm trong nhóm 1000+.
Đó là con số quá ít ỏi. Cũng chính vì chất lượng giáo dục ĐH chưa theo kịp đòi hỏi của xã hội nên càng ngày số học sinh Việt Nam tìm cách du học nước ngoài ngày một tăng lên. Không hẳn xã hội quay lưng lại với ĐH Việt Nam mà họ thấy cần phải “định hình tương lai” ở những cơ sở đào tạo chất lượng cao, điều đó không có gì đáng trách. Trách là trách ở chỗ chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm ra cách đưa ĐH nước nhà đi lên. Kể cả ở những ĐH được coi là đã tự chủ, thì với lý do này lý do khác, chất lượng đào tạo vẫn không vượt trội so với mặt bằng đào tạo chung trong nước, chưa nói đến so với ĐH ở những nước phát triển.
Đó là chưa nói đến những “lùm xùm” của hệ thống này gây ra thời gian qua. Người ta đã rất lo lắng về sự bung ra quá mức của các trường ĐH, tỉnh nào cũng có ĐH, tất yếu dẫn tới chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng (3 tiêu chí quan trọng nhất của ĐH) không đạt yêu cầu. Những mùa tuyển sinh ĐH gần đây cho thấy, nhiều trường tìm cách lấy cho đủ số người học, vì nếu không sẽ “lỗ”. Có cơ sở ĐH thiếu hầu hết giảng viên ở các bộ môn, phải “chạy đầu nọ đầu kia” để thuê người dạy. Lại cũng có nhà đầu tư lập dự án xây dựng ĐH, nhưng cốt để xin đất chứ không phải để xây trường…
Gần đây nhất, lại có thêm một số trường ĐH phải dừng cấp chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học. Ngày 5/10, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết đã có văn bản số 1131/TB-QLCL, thông báo danh sách các đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, có 4 trường ĐH phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin gồm: Trường ĐH Trần Đại Nghĩa, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghiệp Vinh và Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Các trường ĐH phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (chứng chỉ A, B, C), gồm: Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Trần Đại Nghĩa, Trường ĐH Công nghiệp Vinh, Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân và Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Trước đó, Bộ GDĐT cũng đã ban hành thông báo số 973/QLCL-QLVBCC về việc dừng cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với 7 đơn vị và 42 đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (chứng chỉ A, B, C).
Tự chủ hay chưa tự chủ, nhưng nếu cố tình làm sai thì những điều tệ hại vẫn cứ xảy ra. Vì thế, nếu tự chủ ĐH là xu hướng tất yếu thì việc giám sát lại càng phải được đề cao. Tự chủ mà để “tự bơi” thì rất dễ “bơi” xuống vực. Khi đã có quyền thì dễ tự tung tự tác, rất có thể nhà trường biến thành “thương trường” lúc nào không biết.