Nhà sử học Dương Trung Quốc: Không để người dân cô đơn

Cẩm Thúy (thực hiện) 07/10/2019 15:12

Là người tham gia Mặt trận qua nhiều khoá, tham dự nhiều Đại hội MTTQ Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc sau dư âm của Đại hội Mặt trận lần thứ IX đã cùng chúng tôi trao đổi nhiều trăn trở.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Không để người dân cô đơn

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

PV:Thưa ông, dự Đại hội Mặt trận nhiều lần, ở lần này ông suy nghĩ gì về vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong thời điểm hiện nay?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng chúng ta phải bắt đầu từ những nguyên lý cơ bản nhất. Thời nào thì Mặt trận cũng luôn luôn là biểu trưng cho đại đoàn kết dân tộc. Đó là nguyên lý sống còn, là sức mạnh của dân tộc.

Mỗi đại hội trong một hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhiệm vụ chính trị khác nhau. Cái quan trọng nhất là phải xác định được nội hàm của đại đoàn kết dân tộc là cái gì. Nếu không chúng ta sẽ khiến mọi người nghĩ rằng đại đoàn kết là cái gì rất chung chung.

Đại đoàn kết dân tộc theo tôi nghĩ là nó hài hoà lợi ích của các tầng lớp trong xã hội, trong đó có những cái lớn như lợi ích quốc gia, độc lập dân tộc, danh dự dân tộc, sự thịnh vượng của dân tộc, nhưng cũng có lợi ích của từng tầng lớp xã hội một và vì thế lợi ích có tính đa dạng của nó.

Cho nên Đại hội Mặt trận Tổ quốc không phải chỉ là chuyện mang tính biểu trưng, mà là yếu tố có thể giải quyết được câu chuyện hài hòa lợi ích.

Ý của ông là chỉ khi nào đảm bảo được sự hài hoà lợi ích của các tầng lớp nhân dân trong xã hội thì mới có thể tạo ra khối đại đoàn kết vững chắc?

- Đương nhiên. Khi Mặt trận thực hiện các chức năng như là giám sát, phản biện xã hội chính là đang thực hiện việc hài hoà lợi ích của người dân để tạo ra được và xác lập được mối quan hệ của người dân với nhà nước trên tinh thần, trên nguyên lý là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Thưa ông, lợi ích là việc rất khó có giới hạn, vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để đạt tới đồng thuận, cũng có nghĩa là đạt tới sự hài hoà?

- Cái khó nhất trong thời đại này là lợi ích được thể hiện như thế nào, sự hài hoà được thể hiện như thế nào… Ví dụ gần đây chúng ta nhấn mạnh rất nhiều đến vai trò của doanh nghiệp tư nhân, chỉ riêng việc này cũng cho thấy chúng ta phải trải qua thời gian rất dài mới có thể có được những thay đổi nhận thức theo hướng đúng đắn hơn. Nó kéo dài từ thời chúng ta tiến hành cải tạo thương nghiệp đến việc chúng ta chấp nhận kinh tế tư nhân và càng ngày càng đặt nó vào vị trí xứng đáng để phát huy. Rõ ràng nội hàm đại đoàn kết phải đáp ứng những yêu cầu ấy. Đại đoàn kết không phải là một khái niệm chung chung. Đại đoàn kết thay đổi theo từng thời đại trên nền tảng làm sao thuyết phục được người dân. Bây giờ không phải mặc cảm giàu nghèo mà là sự phấn đấu để mọi người cùng làm giàu và lựa chọn làm giàu của mỗi người dân, của doanh nghiệp là nền tảng làm giàu của quốc gia.

Trở lại với lợi ích lớn hơn là lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây chính là chỗ cần thiết nhất của khối đại đoàn kết toàn dân. Thưa ông, làm thế nào để cùng đạt tới nguyên lý ấy?

- Nhiệm vụ chung của một quốc gia thì cho dù qua các thời kỳ khác nhau nó cũng không có những thay đổi lớn. Nguyên lý độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia chẳng hạn thì thời nào cũng cần có. Thời kỳ mất nước thì ta phải giành độc lập dân tộc. Thời kỳ có độc lập dân tộc thì ta phải gìn giữ nền độc lập ấy. Thời kỳ chúng ta đang sống đây có những vấn đề quốc tế thì chúng ta cũng phải giải quyết trên nền tảng của độc lập dân tộc. Nhưng nhiệm vụ cụ thể thì mỗi thời kỳ một khác nhau. Như thời điểm hiện nay rõ ràng vấn đề chủ quyền biển đảo là vấn đề lớn, vấn đề đại đoàn kết dân tộc là vấn đề lớn. Làm sao cho người dân có thể tham gia vào sự nghiệp ấy. Thí dụ câu chuyện ngư dân trên biển, một chính sách của nhà nước có thể làm ảnh hưởng rất nhiều tới người dân. Ví dụ vừa rồi quy định tàu phải dài 15 mét mới được đi xa, tại sao phải thế, đợi đến lúc người dân thắc mắc cơ quan quản lý nhà nước mới điều chỉnh lại. Chuyện đó nếu Mặt trận giám sát tốt thì rõ ràng sẽ đỡ rất nhiều. Trong tình hình này bảo vệ ngư dân là quan trọng, chúng ta phải tập trung vào đối tượng ấy.

Như vậy rõ ràng bản thân nguyên lý độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia thì vĩnh viễn không thay đổi. Nhưng thể hiện nó phải thay đổi, hết sức năng động, dĩ bất biến, ứng vạn biến là ở chỗ ấy.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Không để người dân cô đơn - 1

Thưa ông, trong tình hình hiện nay, vai trò của Mặt trận trong đại diện cho quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhân dân có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo ra đồng thuận xã hội?

- Đồng thuận trên nền tảng nào? Vẫn phải trở lại với câu chuyện hài hoà lợi ích thôi. Đừng coi lợi ích là cái gì xa xỉ, lợi ích là hết sức chính đáng. Hài hoà lợi ích là một chức năng quan trọng của Mặt trận. Ngày xưa chúng ta có một câu rất hay của ông cha mà chúng ta hiểu sai, là câu “dĩ hoà vi quý”, cứ cho đó là thủ tiêu đấu tranh… Không phải. Chữ hoà ở đây lớn hơn rất nhiều, chữ hoà không có nghĩa là hoà cả làng, mà hoà là tìm được sự hài hoà, sự hợp lý và hướng tới cái đó chứ không phải việc thắng thua. Rất phù hợp với quan niệm thời hiện đại là win - win, ngay cả trong quan hệ kinh tế...

Chúng ta đang nói nhà nước kiến tạo là một cái gì rất mới mẻ, nhưng đừng quên những giá trị truyền thống. Một nhà nước vì dân là một nhà nước khi nhận thức được rằng mỗi cái sai của dân có cái lỗi của mình. Cho nên không thể để xảy ra những câu chuyện đối với dân nếu chúng ta là cơ quan nhà nước chỉ nghĩ đến chuyện thắng dân, chỉ cho là có mỗi nhà nước đúng. Đấy là việc không được. Tâm thế thắng dân là rất nguy hại. Không tôn trọng người dân mà chỉ nghĩ là mình đúng, tâm thế ấy sẽ dẫn đến việc mất lòng tin của nhân dân.
Chúng ta nói nhiều đến việc đại diện cho nhân dân, nhưng nếu không cẩn thận lại là hình thức chủ nghĩa. Mặt trận là người đại diện cho dân, rồi chưa kể chúng ta đã có cơ chế có cả bộ máy đại diện cho dân rồi. Từ Hội đồng Nhân dân cơ sở đến Đại biểu Quốc hội... Khi để cho người dân cô đơn thì những sai lầm có thể xảy ra. Tại sao có thể trách dân? Tư duy trách dân là đi ngược lại với cái nguyên lý cơ bản nhất mà chúng ta đang nói đến là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Xin cảm ơn ông!

Cẩm Thúy (thực hiện)