Động lực để doanh nghiệp nội bứt phá
9 tháng năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 194,3 tỷ USD. Điểm sáng của bức tranh này là kim ngạch xuất khẩu của khối kinh tế trong nước đạt 16,4% sau 9 tháng, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ với 5%. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh đã được cải thiện rõ nét.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đang hướng mạnh sang xuất khẩu.
Điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho biết, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt con số 194,3 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật là xuất khẩu có xu hướng tăng dần qua các quí. Theo đó, quí I tăng 5,3%, quí II tăng 7,2% và lên 8,2% vào quí III (đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức từ 7%-8% trong năm 2019). Tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).
Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (đạt 5%). Với những con số nói trên, có thể khẳng định, tăng trưởng xuất khẩu của khối các DN nội đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thời gian qua đã có những tác động rõ rệt, tạo động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN.
Động lực đến từ các FTA
Theo Bộ Công thương, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh đồng thời thúc đẩy việc mở rộng thị phần của hàng Việt tại thị trường các nước trên thế giới. Giới chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia có FTA với Việt Nam tăng cao cũng đồng thời cho thấy nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, giúp DN tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu. Thống kê cho thấy, trong 9 tháng, xuất khẩu sang Nga tăng 13,9%, Nhật Bản tăng 10%; Hàn Quốc tăng 8,1%; ASEAN tăng 4,7%... Đặc biệt, tại các thị trường là thành viên CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt mức tăng tốt, trong đó xuất khẩu sang Canada đạt 2,9 tỉ USD, tăng 30,9% và xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỉ USD, tăng 27%...
Việc xuất khẩu gia tăng, đặc biệt tăng ở những thị trường khó tính cho thấy những chuyển biến nội lực của các DN trong nước. Rõ ràng hội nhập đang trở thành động lực chính để các DN tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó có thể vượt qua những rào cản phi thuế quan.
Là một DN sản xuất trong ngành nhôm đã từng tham gia giao dịch thương mại với các DN thuộc EU, ông Nguyễn Minh Kế- Giám đốc Công ty CP Nhôm Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết, những rào cản phi thuế quan mà thị trường nhập khẩu đưa ra đặt ra những yêu cầu khá khắt khe đối với các sản phẩm. Đặc biệt là vấn đề về truy xuất nguồn gốc hay các yếu tố như ô nhiễm môi trường, chất thải và các cách xử lý chất thải… đều được phía đối tác EU xem xét tỉ mỉ trong quá trình đánh giá sản phẩm của DN. Đây là rào cản khắt khe song cũng là động lực thúc đẩy các DN nâng chất, tạo ra các sản phẩm tốt để có thể vượt qua được những rào cản phi thuế quan.
Ông Đỗ Mạnh Hùng- Chủ tịch Hiệp hội Các DN Việt Nam đầu tư tại Đức cũng cho rằng, các FTA thế hệ mới chính là cơ hội lớn cho các DN là học hỏi về trình độ cũng như năng lực quản trị, công nghệ, qua đó cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.
Nêu quan điểm của mình, GS Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, ký kết các FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA cho rằng, do không phải chịu thuế nhập khẩu nên hàng hóa vào các thị trường này phải đảm bảo được yêu cầu về chất lượng, giá cả cạnh tranh mới có thể trụ vững. Chính bởi vậy, để đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật mà nước nhập khẩu đưa ra, các DN phải đầu tư mạnh vào công nghệ để nâng chất cho các sản phẩm của mình. “DN nào nỗ lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng thì không ngại áp lực từ các rào cản phi thuế quan của thị trường nhập khẩu, còn ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản”- GS Nguyễn Mại nhận định.