TP Hồ Chí Minh: Tái khởi động nhiều công trình hạ tầng
Sau một thời gian bị ngưng trệ vì các lý do khác nhau, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng ở khu vực TP HCM đã được khởi động trở lại. Một số dự án khác cũng đã hoàn thành công tác khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công, trong bối cảnh nhu cầu cải thiện hạ tầng giao thông ở thành phố vô cùng cấp bách.
Dự án hầm chui An Sương thi công sau gần 1 năm tạm ngưng.
Sau gần 1 năm “đóng băng” Dự án hầm chui An Sương (huyện Hóc Môn) đã bắt đầu thi công trở lại. Đây là dự án giao thông quan trọng cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố với hệ thống hầm chui, đường và cầu vượt 3 tầng hiện đại. Tuy nhiên, sau khi thi công được 1 nhánh hầm chui từ đường Trường Chinh qua quốc lộ 22, Dự án phải tạm dừng vì nhiều hộ dân chưa chấp nhận thoả thuận đền bù mặt bằng. Hiện nay sau khi người dân đồng ý, Dự án đã tiếp tục được thi công. Nhiều căn nhà nằm trong khu vực thực hiện Dự án này đã được di dời trong khoảng 2-3 tuần vừa qua. Dự kiến trong năm 2020, Dự án này có thể hoàn thành để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc, kẹt xe lâu năm ở nút giao thong An Sương.
Cũng bắt đầu khởi động cách đây ít ngày, Dự án nâng cấp cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1, Bình Thạnh) đã được thi công với mục đích giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước ở khu vực này. Là tuyến đường lớn và đông đúc nhất ở TPHCM nhưng nhiều năm qua đường Nguyễn Hữu Cảnh luôn là điểm ngập của thành phố. Mặc dù có nhiều giải pháp được thực hiện nhưng tình trạng ngập nước nơi này chưa có dấu hiệu được cải thiện. Thậm chí ngay cả Dự án siêu máy bơm khổng lồ cũng không giải quyết được tình trạng ngập nước ở đây, dù ban đầu chủ đầu tư máy bơm đã cam kết “không hết ngập không lấy tiền”. Vì vậy, dù mỗi năm phải bỏ ra hơn chục tỷ đồng để thuê hệ thống máy bơm này nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn quyết định cho thực hiện Dự án cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh với tổng số vốn khoảng gần 500 tỷ đồng. Mặc dù đây là tín hiệu tích cực nhưng nhiều hộ dân ở hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, việc chủ đầu tư quyết định nâng mặt đường lên cao từ 1 đến 1,2 mét để chống ngập là phương án “đẩy khó cho dân”, bởi khi ấy nhà của hàng trăm hộ dân ở tuyến đường này sẽ thấp hơn mặt đường cả mét. Dù Dự án chưa hoàn thành nhưng tình trạng ngập lòng đường được chuyển qua ngập nhà dân đã bắt đầu khiến nhiều người lo lắng.
Trong khi đó, một số dự án khác cũng được khởi động sau nhiều năm nằm trên giấy như Dự án cải tạo đường vào cảng Cát Lái (quận 2), Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Đây đều là 2 dự án hạ tầng cấp bách với nguồn vốn của TPHCM và một phần do doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp bỏ ra. Các dự án này đều có điểm chung là được đưa vào kế hoạch triển khai từ khá lâu nhưng đến nay mới đủ điều kiện thực hiện. Ngoài ra, các dự án mở rộng tuyến quốc lộ 22, quốc lộ 13, quốc lộ 1A và quốc lộ 50 trên địa bàn TPHCM cũng đã xong các thủ tục nghiên cứu khả thi cũng như nguồn vốn thực hiện. Thời gian tới, hầu hết các dự án mở rộng quốc lộ này sẽ được triển khai với mục đích tạo thêm hạ tầng giao thông và giải quyết các nút thắt ùn tắc, kẹt xe…