Kiên Giang - Hà Huy Hà & 'Những thằng bất nghĩa xin đừng đến'!
Cùng sinh một làng và là bạn tâm giao của nhà văn Sơn Nam, bước vào thi đàn sau cuộc gặp gỡ “định mệnh” với thi sĩ đàn anh Nguyễn Bính tại Rạch Giá quê hương, Kiên Giang - Hà Huy Hà trở thành một tên tuổi nổi bật của đất phương Nam, không chỉ trong văn chương mà còn trên sân khấu kịch trường Sài Gòn với tư cách soạn giả và nhà báo.
Thi sĩ Kiên Giang trong một lần viếng mộ bạn tâm giao Sơn Nam.
Giống như Nguyễn Bính và Sơn Nam, Kiên Giang cả một đời phiêu bạt sống rày đây mai đó, cho đến khi trái tim đột ngột ngừng đập trên đường “hành hiệp”. Có thể nói Kiên Giang là nghệ sĩ lãng tử cuối cùng của một thế hệ tài hoa bước ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, mà năm nay kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (1929-2019) và tròn 5 năm ngày ông vĩnh viễn ra đi.Tôi vốn thích bài thơ phổ nhạc nổi tiếng Hoa trắng thôi cài trên áo tím và các vở cải lương mà Kiên Giang - Hà Huy Hà là tác giả như Lưu Bình - Dương Lễ, Trương Chi - Mỵ Nương, Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới… Vào đầu thập niên 1990, khi tôi mới bước vào làng cầm bút, ông là một trong những người đầu tiên tôi may mắn được tiếp xúc.
Được trò chuyện với những bậc tiền bối như thi sĩ Kiên Giang bao giờ cũng là điều thích thú. Và ông là một trong những người đã mở ra cho tôi cả pho tư liệu quý giá về một thời kỳ đầy biến động của Sài Gòn và Nam Bộ, trong đó có những câu chuyện thú vị về con đường sáng tác lẫn cuộc sống di động phong phú của ông, về những mối quan hệ khi vui khi buồn mang tính “thâm cung bí sử” ở hậu trường văn nghệ từ bưng biền đến thành thị. Ông là người dễ gần, xởi lởi, giàu lòng vị tha, có trí nhớ tốt và một sức sáng tạo bền bỉ.
Mối quan hệ đặc biệt với Sơn Nam và Nguyễn Bính
Kiên Giang là bậc lão thành đa tài, đa năng, đa tình. Khi làm thơ, ông lấy bút danh Kiên Giang, còn viết báo hay soạn tuồng cải lương, vọng cổ thì ký Hà Huy Hà, nhưng tên thật của ông là Trương Khương Trinh, sinh năm 1929 tại Xẻo Đước, làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Cái làng Đông Thái xa xôi hẻo lánh ấy lại sinh ra hai nhân vật tiêu biểu cho văn chương Nam Bộ là Sơn Nam và Kiên Giang. Và cũng giống như người bạn đồng hương Sơn Nam, tên tuổi Kiên Giang nổi lên trong đời sống văn học Sài Gòn và miền Nam từ năm 1955, dù trước đó trong bưng biền chống Pháp họ đã bắt đầu sáng tác.
Nhà văn Sơn Nam trong các tác phẩm hay kể về cái làng Đông Thái quê hương quanh năm hiu hắt như ngọn đèn dầu mù u và thường bị bọn hải tặc lộng hành, nhưng ông cũng tự hào là cái làng ấy sản sinh một con người tài hoa, nghĩa khí như Kiên Giang - Hà Huy Hà. Ngược lại, thi sĩ Kiên Giang cũng luôn dành cho nhà văn Sơn Nam những tình cảm trân trọng về tài năng và nhân cách. Đối với ông, văn học sử Nam Bộ ở thế kỷ XX khó có ai vượt qua được tầm vóc đồ sộ của Sơn Nam. Sinh cùng làng, thành danh cùng lượt, sống trọn tình cùng nhau gần cả thế kỷ, khi trở về cát bụi hai bậc trưởng thượng Sơn Nam - Kiên Giang lại được nằm cạnh nhau “hàn huyên” tại nghĩa trang Hoa viên Chánh Phú Hoà ở Bình Dương. Hạnh phúc ấy mấy ai có được!
Nếu như nhà văn Sơn Nam là bạn chí cốt thì thi sĩ Nguyễn Bính là bậc thầy có nhiều ảnh hưởng đến con đường thi ca của Kiên Giang. Năm 1946, vì nạn cướp biển, gia đình ông phải rời làng tản cư lên thị xã Rạch Giá. Một sáng nọ ông nghe một bạn học nói có nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính từ ngoài Bắc vào đang ở xóm biển sau đình anh hùng Nguyễn Trung Trực. Mừng quá, ông liền đi tìm thần tượng.
Hỏi thăm, bà con ngư dân bảo Nguyễn Bính đang tá túc nhà ông Lý, một người gốc Bắc di cư, Kiên Giang tìm tới thì người nhà ấy nói “Ông Bắc Kỳ đang ngủ ngoài đình”. Ra đình, thấy chẳng có ai, ông lại hỏi thăm bà hàng nước. Bà cười nói ở đây chẳng có nhà thơ nhà thẩn nào cả mà chỉ có một anh hàn sĩ giống “Trần Minh khố chuối” hay ngủ trong nóp sau cửa đình. Chiếc nóp chằm bằng lá được dân Nam Bộ thường dùng làm “túi ngủ”. Ông nhìn ra sau cửa đình thấy đúng là có một người vẫn còn ngủ khì trong nóp, dù lúc này trời đã gần trưa.
Đến bên chiếc nóp một hồi, ông đập đập vào nóp và nói đại ý: Ông ơi, tui cũng là người làm thơ, nghe tin ông ở xa đến đây, tui đến chào ông! Thi sĩ Nguyễn Bính uể oải ra khỏi nóp, hỏi: “Có thuốc không?”. Đang còn là học sinh trung học, chàng trai yêu thơ họ Trương tập tành hút thuốc lá, trong túi có gói Cotab còn hai điếu, lấy ra mời. Nguyễn Bính trầm ngâm hút liền một mạch hết cả hai điếu thuốc rồi xé vỏ gói thuốc lá hí hoáy ghi tặng bạn trẻ bốn câu thơ:
“Có những dòng sông chảy rất mau
Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu
Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp
Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau”.
Đọc thơ của thần tượng tặng mình, Kiên Giang sướng run cả người, cung kính mời thi sĩ đi uống cà phê quán Quảng Phát bên chợ Rạch Giá. Bên ly cà phê ở cuối đất phương Nam, chàng thơ trẻ hỏi đàn anh sao không tá túc nhà đồng hương là ông Lý nữa? Nguyễn Bính có vẻ buồn và bảo tại chị vợ chủ nhà quá xinh đẹp, cứ nằm trên võng xoã tóc đung đưa ngâm mùi mẫn thơ Nguyễn Bính, làm ông Lý tỏ ý bực bội không hay, nên thi sĩ đành phải bỏ ra đình ngủ nóp.
Thương đàn anh không chốn dung thân, Kiên Giang chợt nhớ có căn nhà bỏ trống của người giữ sân banh nên tìm đến xin cho ở đậu, rồi trộm tiền mẹ để giúp nuôi thầy. Những ngày nương náu ở đây, thi sĩ Nguyễn Bính đặt cho nơi tạm trú bằng cái tên thơ mộng là Mộc Kiều Trang và dán trước cửa mấy câu thơ:
“Từ dạo về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những phường phú quý xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”.
Về sau lên Sài Gòn mưu sinh nghề báo, bực mình một tay cò (cảnh sát) hàng xóm hay sang giở trò gây khó dễ, Kiên Giang cũng đã dán bài thơ ấy của Nguyễn Bính trước cửa và sửa lại câu thứ ba thành “Những thằng bất nghĩa xin đừng đến”!
Soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà với “Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung.
Hình ảnh Kiên Giang trong lòng một số người đẹp đồng nghiệp
Cách đây 5 năm, thi sĩ Kiên Giang đang ở Long Xuyên tình cờ đọc báo thấy tin một bé sơ sinh bị đánh rơi ngoài đường do cha mẹ tử nạn. Ông đã gom chút tiền hưu và thêm tiền của con gái ông cho được tất cả 5 triệu đồng, đi xe đò lên TP HCM để góp phần giúp đỡ em bé. Thế nhưng vừa tới thành phố, chưa kịp thực hiện ý định thì ông bị đột quỵ, và trái tim nhân ái của ông đã ngừng đập vào 6h30 sáng 31/10/2014.
Quan sát dòng người đến tiễn đưa thi sĩ, soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi nhận ra một điều khá đặc biệt. Đó là có nhiều nữ văn nghệ sĩ, nhất là các nữ nghệ sĩ ngâm thơ, cải lương nổi tiếng ở TP HCM và một số tỉnh thành Nam Bộ đã đến ngậm ngùi thắp hương cho ông. Có nữ nghệ sĩ có thể từng là người tình của ông. Có người từng nhờ những bản vọng cổ hoặc vở cải lương của ông “chắp cánh” cho tài năng của họ. Và tất nhiên, có những người đến vĩnh biệt ông chỉ vì yêu quý ông, mến mộ ông, một nghệ sĩ tài hoa và đào hoa. Dù họ đến với tư cách nào, nhan sắc còn mặn mà hay đã dần tàn phai theo năm tháng, thì đó cũng là niềm hạnh phúc cho một lãng tử suốt đời giang hồ phiêu bạt.
Hương Lan gọi Kiên Giang bằng chú. Ca sĩ hải ngoại này cho hay chính ông là người đặt nghệ danh cho bà là Hương Lan, trong khi hồi còn là đồng ấu đi hát vẫn gọi tên thật là bé Ngọc Ánh. Soạn giả Kiên Giang còn có những lời khuyên hữu ích lúc mới chính thức bước vào nghề mà suốt đời ca sĩ Hương Lan ghi nhớ. Còn nghệ sĩ Phương Dung tâm sự rằng bà có nhiều kỷ niệm đẹp khó quên với thi sĩ Kiên Giang, đặc biệt là biệt danh nổi tiếng “Nhạn trắng Gò Công” của bà do chính ông đã đặt cho trong một bài báo kịch trường.
Trong số những nữ nghệ sĩ sân khấu lừng danh Nam Bộ đến nghiêng mình trước linh cữu ông, tôi còn thấy có 3 Nghệ sĩ Nhân dân: Kim Cương, Lệ Thuỷ, Ngọc Giàu. Bằng trí nhớ hiếm có, Kim Cương đọc lại nhiều đoạn thơ của Kiên Giang mà bà thuộc thời trẻ. Giống như nhận định của nhà văn Sơn Nam thuở sinh thời, nghệ sĩ Kim Cương cho rằng soạn giả Kiên Giang là người tiên phong đưa thi ca vào tuồng cải lương, nâng cao chất nghệ thuật trong từng lời ca, giúp cho khán giả cảm thụ sâu sắc hơn cái hay cái đẹp của tuồng tích.
Nếu như Kim Cương gọi Kiên Giang bằng anh thì Lệ Thuỷ và Ngọc Giàu lại gọi ông bằng chú. Lệ Thuỷ là cô đào diễn rất thành công vai nàng Xuân Tự trong vở cải lương Áo cưới trước cổng chùa của ông từ mấy mươi năm qua. Mỗi lần vở này tái diễn, ông đều vào hậu trường sân khấu thăm hỏi, động viên các nghệ sĩ. Ông còn dặn Lệ Thuỷ làm sao nhân rộng nhiều hơn những “nàng Xuân Tự” cho lớp diễn viên trẻ để tiếp bước thành công của thế hệ đi trước. Trong khi đó, Ngọc Giàu vẫn nhớ như in thời điểm năm 1960, lúc bà mới được về Sài Gòn diễn trong đoàn Thanh Minh -Thanh Nga, chính Kiên Giang là ký giả đầu tiên viết bài khích lệ bà. Ngọc Giàu rất thích những bản vọng cổ do ông soạn như Hương cau quê ngoại, Đội gạo đường xa, Vắt sữa nai nuôi mẹ, Ngồi trâu thổi sáo… gần gũi và thấm đẫm tình yêu quê hương, gia đình. Nó cũng thể hiện tấm lòng nhân hậu của ông.
Những người không “bất nghĩa” sẽ chẳng bao giờ quên ông!