Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Chờ đợi gì ở đàm phán lần này?
Ngày mai, 10/10, Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại tại Washington. Đàm phán sẽ kéo dài trong 2 ngày và được dự báo là “khó suôn sẻ”- theo CNBC. Cuộc họp chính thức sẽ bao gồm các nhà đàm phán thương mại hàng đầu từ cả hai phía, gồm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong cuộc gặp tháng 7/2019 tại Thượng Hải Ảnh: AFP/Getty Images.
Bloomberg cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc - đã nói với quan chức Mỹ rằng ông sẽ đem đến Washington một đề xuất không bao gồm các cam kết về cải tổ chính sách công nghiệp hay trợ cấp chính phủ trong khi đây vốn là mục tiêu bị Mỹ phàn nàn lâu nay. Hai bên dự kiến sẽ xác định xem liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có bắt đầu vạch ra một con đường để thoát khỏi cuộc chiến thương mại hay hướng tới mức thuế mới và cao hơn đối với hàng hóa của nhau.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, vào giữa tháng 9 hai nước đã có cuộc gặp cấp Thứ trưởng tại Mỹ. Theo giới quan sát, một số chỉ dấu cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có động thái nhượng bộ, nhằm hạ nhiệt căng thẳng đã kéo dài hơn một năm qua. Cuối tháng 9, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng nước này đã mua “một lượng đáng kể” đậu tương và thịt lợn của Mỹ trước thềm vòng đàm phán sắp tới. Đây là bước ngoặt khi chỉ một tháng trước Bắc Kinh còn ngừng mua toàn bộ nông sản từ Mỹ.
Hôm 26/9 tại Bắc Kinh, Gao Feng- Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết, chính quyền Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại lần này với Mỹ. Đánh giá về “cuộc gặp cấp phó” giữa hai bên vào ngày 19/9, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng cuộc họp “đã mang lại những kết quả nhất định”. Còn trong hôm 25/9, tại kỳ họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài gần 15 tháng với Trung Quốc có thể đến sớm hơn kỳ vọng. Về phía mình, Bắc Kinh cũng tuyên bố việc ký kết thỏa thuận kinh tế và thương mại toàn diện Mỹ - Trung “có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần, nhưng nó sẽ phải là thỏa thuận cùng có lợi”.
Ở một diễn biến khác, theo giới quan sát, trong cuộc đàm phán lần này Trung Quốc muốn thu hẹp thỏa thuận thương mại với Mỹ. Điều này có nghĩa một trong những yêu cầu chủ chốt của chính quyền Trump sẽ bị loại khỏi bàn đàm phán. Đây là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang mạnh tay hơn trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng luận tội và doanh nghiệp đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại khiến kinh tế Mỹ chậm lại. Jude Blanchette - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược cho rằng lãnh đạo Trung Quốc “đang coi việc luận tội là dấu hiệu vị thế của Trump yếu đi”. Tuy nhiên, ông Trump vẫn khẳng định chỉ hài lòng khi có một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc. “Hiện tại, chúng ta đang ở vào giai đoạn quan trọng trong việc đạt thỏa thuận. Chúng ta đang đàm phán một thỏa thuận rất cứng rắn. Nếu nó không có lợi 100% cho Mỹ, chúng ta sẽ không chấp nhận”- ông Trump nói.
Dẫu thế, giới chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng, nếu ông Trump vẫn giữ lập trường cứng rắn đánh thuế cao với nhiều mặt hàng Trung Quốc thì sẽ phải tiếp tục chịu sức ép từ chính thị trường nước Mỹ. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, chỉ số xuất khẩu nông sản cho tới hết tháng 9/2019 của Mỹ đã giảm đi 7% so với năm 2018, điều này làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn của nền nông nghiệp nước này. Cụ thể, sản lượng nông sản bán được đã giảm 7,7 tỷ USD.
Một động thái nữa cũng rất đáng chú ý được cho rằng có liên quan đến “độ nóng” của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần này, chính là việc ông Trump đã chính thức châm ngòi thương chiến với EU khi mà Washington sẽ áp thuế từ 10%-25% lên 7,5 tỉ USD hàng hóa của EU, dự kiến có hiệu lực từ ngày 18/10. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Mina Andreeva cho rằng Mỹ và EU nên tránh “ăn miếng trả miếng” bằng cách đánh thuế nhằm vào nhau vì điều này sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ thương mại trị giá 1.300 tỉ USD giữa hai bên. EU cho biết sẽ áp thuế lên 4 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nếu chính quyền ông Donald Trump vẫn quyết thực hiện bước đi trên.