Chống ‘diễn biến hòa bình’: Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cần sự bình tĩnh và tỉnh táo

Tường Linh 09/10/2019 08:00

Vụ việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đang được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Trong khi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam nỗ lực, kiên trì đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc, có những thế lực lại tìm cách tung tin gây nhiễu, bịa đặt kích động, tạo sự nghi ngờ với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Chống ‘diễn biến hòa bình’: Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cần sự bình tĩnh và tỉnh táo

Tàu lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cảnh giác với những chiếc bẫy kích động và chia rẽ

Vấn đề Biển Đông đang ngày càng phức tạp với những diễn biến khó lường, chủ quyền biển, đảo Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng trên biển của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, đồng thời giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Quan điểm đó đang được triển khai trên thực tế trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, liên quan đến vụ tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, trên mạng xã hội xuất hiện những luận điệu xuyên tạc với các bài viết, bình luận với chủ ý xấu như “Việt Nam nhu nhược”, “Việt Nam bán Biển Đông”, “Cộng sản Việt Nam làm ngơ về Biển Đông”…

Thông qua một số đài nước ngoài thường có những bài viết chống phá Việt Nam như Đài Châu Á tự do (RFA), BBC, một số nhân vật chống đối chính quyền ở trong nước cung cấp thông tin xuyên tạc, bịa đặt rằng chính quyền “không nói rõ về tình hình tại khu vực bãi Tư Chính”, “không có giải pháp mạnh với Trung Quốc”. Họ đòi Việt Nam phải “hợp tác với một nước khác để chống Trung Quốc”.

Các phần tử chống phá ở ngoài nước và trong nước thì đua nhau chỉ trích chính quyền, kích động người dân xuống đường biểu tình với khẩu hiệu trá hình như “Tôi xuống đường vì Tổ quốc”...

Là người Việt Nam yêu nước, ai mà chẳng quan tâm, lo ngại, thậm chí bức xúc trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, coi thường luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và ổn định khu vực.

Trong bối cảnh đó, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết, hết sức quan trọng và thiêng liêng. Trên thực tế, Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng - an ninh để đấu tranh với Trung Quốc. Kể từ khi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định thái độ của chúng ta là: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Trên các diễn đàn khu vực, thế giới, trong các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương, Việt Nam đều tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Với Trung Quốc, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đều thẳng thắn đấu tranh trực diện về tình hình Biển Đông, mà gần đây nhất là tại cuộc hội kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 7/2019 ở Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình, thường xuyên thông tin kịp thời tình hình diễn biến đến nhân dân, quản lý chặt chẽ tình hình an ninh trật tự và làm tốt công tác định hướng tư tưởng cho nhân dân. Hôm 7/10 vừa qua, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Hội nghị Trung ương “phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua”.

Trên thực địa, trong suốt thời gian qua, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn có mặt 24/24h để thực hiện các hoạt động đấu tranh nhằm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các thành phần khác của lực lượng vũ trang Việt Nam cùng lực lượng kiểm ngư cũng luôn sẵn sàng thực hiện các phương án khi cần thiết. Ngoài quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, hàng trăm hàng nghìn chiến sỹ cùng ngư dân ta vẫn đang ngày đêm bám biển để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Những thực tế đó đã phản bác những thông tin bịa đặt của những kẻ cố tình nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam trong xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Âm mưu của chúng là làm nóng tình hình, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, kích động để kêu gọi biểu tình, bạo loạn dưới danh nghĩa bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng của bất cứ quốc gia - dân tộc nào trên thế giới, đặc biệt là đối với Việt Nam, một dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh kiên cường, bất khuất bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự thống nhất đất nước. Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đã trở thành tư tưởng thường trực trong mỗi người dân Việt, được hun đúc thành lòng yêu nước.

Tuy nhiên, cần thấy rõ một thực tế là việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông không đơn giản, có nhiều khó khăn, phức tạp và chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian, không thể sốt ruột, nóng vội. Trong cuộc đấu tranh này, điều quan trọng nhất là phải nhận thức rõ nền tảng cho việc đảm bảo cho hoà bình và chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là phải tập hợp và phát huy tối đa sức mạnh dân tộc,

Lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc ta đã chứng minh sự chung sức đồng lòng muôn người như một của cả dân tộc, của mọi người Việt Nam yêu nước, dù ở trong nước hay nước ngoài, sẽ nhân lên gấp bội sức mạnh cộng hưởng của sức mạnh đại đoàn kết để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mỗi khi bị đe dọa, xâm lăng.

Nhân dân ta từ lâu đã đúc kết “trong ấm, ngoài êm”. Đây không chỉ là bài học sâu sắc về đối nhân, xử thế trong mỗi gia đình mà còn cả quốc gia. Lịch sử dân tộc nhiều lần chứng minh, khi nội bộ đoàn kết, lòng dân hòa thuận thì biên cương, bờ cõi yên ổn. Còn nếu nội bộ mất đoàn kết, lòng dân ly tán sẽ khiến ngoại bang dòm ngó, xâm lăng.

Suy ra, trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, “biển yên” thì “bờ ấm”, có bảo vệ được bình yên biển, đảo thì trong nước mới ổn định, phát triển. Ngược lại, “trong bờ có ấm, ngoài biển mới yên”, đất nước có ổn định, phát triển mới tạo ra thế và lực để bảo vệ biển, đảo.

Khẳng định ý chí quyết tâm, chủ trương “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng Việt Nam cũng luôn tỉnh táo để đấu tranh nhưng tránh xung đột, đối đầu, mắc mưu các thế lực thù địch. Chúng ta thực hiện chủ trương “thêm bạn bớt thù”, quán triệt phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, phấn đấu vì hoà bình, ổn định, phát triển, vì lợi ích chung của các quốc gia, dân tộc trên thế giới”.

Làm sao những lời kêu gọi cực đoan, những hành vi gây mất an ninh trật tự, phá hoại môi trường đầu tư, kinh doanh, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia là hành động yêu nước, là vì sự toàn vẹn lãnh thổ? Chẳng lẽ những cuộc biểu tình trong phút chốc trở thành bạo loạn gây nên một Phan Rí hoang tàn, một Bình Dương tan tác, một Hà Tĩnh, một Tây Nguyên hỗn loạn cùng những con người trẻ tuổi rơi vào cảnh tù tội mà chúng ta từng phải chứng kiến là “góp phần” bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông?

Chúng ta không thể “mắc bẫy” với những thông tin bịa đặt, kích động như vậy, để có những hành động tự phát làm rối thêm tình hình, gây rối loạn xã hội, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân. Nếu chúng ta rơi vào tình cảnh đó thì có nghĩa là trúng kế của các thế lực thù địch, chống phá. Thái độ đúng đắn lúc này là có một quan điểm tư duy sáng suốt và tỉnh táo, bởi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là vấn đề vô cùng nghiêm túc, đòi hỏi phải tỉnh táo, bình tĩnh.

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng của bất cứ quốc gia - dân tộc nào trên thế giới, đặc biệt là đối với Việt Nam, một dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh kiên cường, bất khuất bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự thống nhất đất nước. Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đã trở thành tư tưởng thường trực trong mỗi người dân Việt, được hun đúc thành lòng yêu nước. Trên thực địa, trong suốt thời gian qua, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn có mặt 24/24h để thực hiện các hoạt động đấu tranh nhằm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các thành phần khác của lực lượng vũ trang Việt Nam cùng lực lượng kiểm ngư cũng luôn sẵn sàng thực hiện các phương án khi cần thiết. Ngoài quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, hàng trăm hàng nghìn chiến sỹ cùng ngư dân ta vẫn đang ngày đêm bám biển để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tường Linh