Bằng tốt nghiệp đại học mới: Sẽ cấp cùng phụ lục văn bằng
Quy định hiện hành có sự phân biệt tên văn bằng tùy theo khối ngành đào tạo. Cụ thể, với ngành kỹ thuật là bằng kỹ sư. Ngành kiến trúc là bằng kiến trúc sư. Ngành y là bằng bác sĩ hoặc bằng cử nhân. Ngành dược là bằng dược sĩ hoặc bằng cử nhân. Các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế là bằng cử nhân. Các ngành còn lại ghi là bằng tốt nghiệp ĐH. Tuy nhiên, theo dự thảo của Bộ GDĐT sắp tới tất cả các trường sẽ không còn phân biệt khối ngành đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đại học với một tên gọi chung là bằng cử nhân.
Góp ý cho dự thảo Thông tư về nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (ĐH), nhiều chuyên gia cho rằng nếu bằng tốt nghiệp ĐH sắp tới chỉ có một tên gọi chung là bằng cử nhân thì có phần khó cho các nhà tuyển dụng. Theo Bộ GDĐT, bằng tốt nghiệp sẽ được cấp cùng với Phụ lục văn bằng để đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo,… của người học.
Tấm bằng tốt nghiệp ĐH thể hiện giá trị của trường mà sinh viên theo học.
Sẽ chỉ có một tên gọi là “bằng cử nhân”
Theo quy định hiện hành có sự phân biệt tên văn bằng tùy theo khối ngành đào tạo. Cụ thể, với ngành kỹ thuật là bằng kỹ sư. Ngành kiến trúc là bằng kiến trúc sư. Ngành y là bằng bác sĩ hoặc bằng cử nhân. Ngành dược là bằng dược sĩ hoặc bằng cử nhân. Các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế là bằng cử nhân. Các ngành còn lại ghi là bằng tốt nghiệp ĐH.
Theo dự thảo Bộ GDĐT đang đưa ra lấy ý kiến, tất cả các trường sẽ không còn phân biệt khối ngành đào tạo sẽ đều cấp bằng tốt nghiệp ĐH với một tên gọi chung là bằng cử nhân.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam, trước nay các trường đào tạo theo khối ngành đặc thù khác nhau với thời gian đào tạo có nhiều chênh lệch. Chẳng hạn, nhìn vào bằng kỹ sư, nhà tuyển dụng có thể hiểu là ứng cử viên này đã tốt nghiệp khối trường đào tạo 5 năm thay vì 4 năm như bằng cử nhân. Hoặc bằng bác sĩ hoặc bằng cử nhân đối với sinh viên tốt nghiệp trường y sẽ có thời gian đào tạo khác nhau.
“Tấm bằng tốt nghiệp ĐH thể hiện giá trị của trường ĐH mà sinh viên theo học, thậm chí là chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, với việc không phân biệt bằng tại chức hay liên kết, đào tạo từ xa thì việc “quy về một mối” như dự thảo cũng là một phương án. Tôi đề nghị cần tham khảo ý kiến của các trường đặc thù như khối ngành kỹ thuật, sức khỏe về cách gọi này để nếu được thông qua và ban hành thành thông tư, nghị định thì có sự đồng thuận từ các cơ sở đào tạo” - ông Nhĩ đề xuất.
Trên thực tế, như một số nước cũng quy định tất cả các trường đều cấp bằng ĐH. Còn bác sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư… sau này muốn được công nhận thì phải thi chứng chỉ hành nghề. Điều này tương tự như là nghề luật sư, sau khi học xong trường Luật phải học và thi thêm một chương trình khác. Và khi có bằng Luật sư thì mới có thể chính thức làm nghề. Từ đây, có ý kiến băn khoăn liệu sau đây các hiệp hội nghề nghiệp có tổ chức thêm các kỳ thi chứng chỉ này nữa hay không để chuẩn hóa lực lượng lao động? Bởi thực chất khi các trường ĐH tự chủ toàn diện, vấn đề chất lượng của tấm bằng ĐH vẫn còn là một câu hỏi ngỏ. Nhất là khi lâu nay chúng ta vẫn thường xếp hạng không chính thức trường ĐH thuộc “top trên” với các trường top giữa, top cuối… mỗi mùa tuyển sinh khi điểm đầu vào của các trường có sự chênh lệch đáng kể. Đơn cử như khối ngành đào tạo y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội nhiều năm liên tiếp đều lấy điểm đầu vào trên 27 điểm. Nhưng một số trường khác cũng đào tạo ngành này có điểm đầu vào chỉ trên dưới 20 điểm.
Quy định phụ lục văn bằng
Theo ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên Phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học.
“Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới (trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư này, Ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Do vậy, quy định như trong dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH” là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục ĐH Việt Nam với giáo dục ĐH của các nước”- ông Trinh cho biết.
Cụ thể, các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng tại Thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo,… của người học giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng.
Đối với băn khoăn về việc cấp bằng kỹ sư, bằng bác sĩ, bằng dược sĩ, ông Trinh cho rằng, theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, văn bằng giáo dục ĐH gồm 3 loại: Bằng Cử nhân; Bằng Thạc sĩ và Bằng Tiến sĩ.
Các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định. Hiện tại, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, theo đó các loại ngành nghề chuyên môn đặc thù sẽ được quy định tại Nghị định này.
Dự kiến, sẽ có các loại bằng kĩ sư, bằng bác sĩ, bằng dược sĩ,… (với tư cách là bằng chuyên môn đặc thù). Do đó, trong dự thảo Thông tư của Bộ GDĐT không quy định những trường hợp này.
Hiện dự thảo đang được đăng tải lấy ý kiến góp ý trên website của Bộ GDĐT đến hết ngày 3/12.