Đồng bằng sông Cửu Long: Những cảnh báo nóng
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang chìm, đất đang sụt lún khoảng 2,5cm mỗi năm, cùng với đó là nước biển dâng, nguồn nước ngầm khan hiếm…Ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu để phát triển bền vững ĐBSCL đang rất cấp bách.
Nhiều nơi ở ĐBSCL thiếu nước sản xuất.
Sụt lún do khai thác quá tải nguồn nước ngầm
Theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng, hiện tỉnh có tổng số 107.206 giếng, trong đó 106.402 giếng khoan, 804 giếng đào. Các công trình hiện khai thác sử dụng nước ngầm phân bố không đều trên diện tích toàn tỉnh cũng như các huyện thị. Mật độ công trình khai thác so với diện tích của toàn tỉnh là 32 công trình/km2. Toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 181.921 hộ sử dụng nước dưới đất trong sinh hoạt, sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản. Tổng lượng khai thác sử dụng nước dưới đất tại giếng đơn lẻ trên toàn tỉnh 243.301m3/ngày đêm.
Ông Ung Văn Đẳng - Phó trưởng Phòng Khoáng sản và Khí tượng thuỷ văn, Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Từ năm 2007 đến nay, mực nước ngầm ở Sóc Trăng diễn biến theo chiều hướng hạ thấp theo từng năm. Trước tình hình đó, Sóc Trăng đã siết chặt việc cấp phép khai thác sử dụng nước ngầm, khoanh vùng hạn chế khai thác nguồn nước để bảo vệ tài nguyên nước.
Đây cũng là thực trạng chung các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong việc khai thác sử dụng cũng như quản lý nước ngầm. Tại Hội thảo về động thái tài nguyên nước dưới đất (nước ngầm – PV) và xâm nhập mặn trong điều kiện sụt lún ĐBSCL diễn ra ở Cần Thơ ngày 8/10, qua nghiên cứu thực tế vùng ĐBSCL, ông Dr. Piet Hoekstra - Trưởng Dự án Rise and Fall Đại học Utrocht cảnh báo: Khai thác nước ngầm sẽ gia tăng độ sụt lún, sự cạn kiệt về cấu trúc của nguồn tài nguyên nước ngọt dưới đất, sự hiện diện của nước mặn – lợ trong các tầng chứa nước sẽ sớm hiện hữu.
Ông Dr. Piet Hoekstra nhận định: Tỷ lệ sụt lún ở đồng bằng liên quan đến việc khai thác quá mức tài nguyên nước ngầm, sự khuếch đại của thuỷ triều trong hệ thống kênh và cửa sông cùng với gia tăng xâm nhập mặn đều là những tín hiệu cảnh báo sớm về sự chuyển biến của đồng bằng.
Ở Cà Mau tình trạng sụt lún đất cũng đang ở mức báo động. Theo ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, từ năm 2004 đến nay, do việc khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp quá mức khiến cho mức độ sụt lún đất trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 1,9 đến đến 2,8cm và nếu tình trạng khai thác nước ngầm còn tiếp tục gia tăng như hiện nay thì trong 25 năm tới, dự báo sụt lún đất trên địa bàn tỉnh sẽ lên đến 90cm/năm.
ĐBSCL đang bị sụt lún nhanh chóng do việc khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức thời gian qua. Trong 25 năm qua, lượng nước khai thác tăng lên 500%, trong khi lượng nước để bù đắp không theo kịp mức độ khai thác, đây là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ xâm nhập mặn cho vùng trong thời gian tới nếu không có giải pháp căn cơ, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Triều cường chưa dứt đã lo xâm nhập mặn
ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL lo lắng: Cần nhấn mạnh rằng, nếu trong tháng 10 này, ở Lào không có mưa lớn đột biến làm cho nước dâng lên một lần nữa thì coi như mùa nước nổi năm nay đã đi qua. Nỗi lo hạn mặn đầu năm sau vẫn còn nguyên đó.
ĐBSCL vừa mới đối phó với đợt triều cường lịch sử chưa “ráo tay”, lại phải lo tới chuyện ngăn mặn. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, nguồn nước mùa khô 2019-2020 sẽ ít, nguy cơ mặn xuất hiện sớm và hạn hán có thể xảy ra. Mặn mùa khô 2019-2020 có khả năng xuất hiện sớm so với năm 2018-2019 khoảng 10-30 ngày, và sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 tháng (tùy vào từng vùng).
Người dân ĐBSCL đắp đập ngăn triều cường gây thiệt hại mùa màng.
Cũng theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Từ tháng 12/2019, mặn có khả năng ảnh hưởng các cống lấy nước phạm vi cách biển đến 30-35km. Sang tháng 1 và tháng 2/2020, ranh mặn 4g/l có khả năng lấn sâu vào nội địa 45-55km (mức độ lấn sâu tuỳ vào từng cửa sông). Đặc biệt, các ngày trường cường, gió chướng mạnh xâm nhập mặn có thể tăng đột biến so với dự báo nhưng ở thời đoạn ngắn.
Một số vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trong thời gian tới như các huyện: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang; huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú của Bến Tre; Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang của Trà Vinh; Long Phú, Trần Đề của Sóc Trăng; Vĩnh Lợi, Phước Long của Bạc Liêu...
Ngịch lý thành phố ngập nước, ruộng vườn khô hạn
Là người nghiên cứu và am hiểu về ĐBSCL, ThS Nguyễn Hữu Thiện nhận định: Thực trạng phân tích ở trên cho thấy hàng loạt những nghịch lý. Nghịch lý khi mà thành phố thì bì bõm trong nước còn ruộng vườn lại khô ráo. Nghịch lý là ở nơi có con sông thuộc hàng lớn nhất thế giới, nhưng người dân lại phải trông vào khai thác nước ngầm dẫn đến sụt lún đất đai và nếu không có những giải pháp cấp bách tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Muốn giảm sụt lún, phải giảm sử dụng nước ngầm. Nhưng muốn bớt sử dụng nước ngầm thì phải phục hồi nước sông để người dân có thể sử dụng được như trước đây khi chưa phát triển nông nghiệp thâm canh và sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu” – ông Thiện nói.
Giáo sư Trần Thục - Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo cho vùng ĐBSCL nói riêng và Nam Bộ nói chung: Mùa khô năm 2019-2020, nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ; đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020. Các địa phương ở ĐBSCL nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2019-2020”…
Ông Đỗ Đức Dũng -Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, những thách thức đặt ra cho vùng ĐBSCL không hề nhỏ, phù sa từ thượng nguồn sụt giảm, khai thác cát, xói lở bờ sông, bờ biển và suy thoái lòng đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tốc độ sut lún ở ĐBSCL từ 2 – 4 cm mỗi năm và quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn. Theo dự báo, đến năm 2050, khoảng 60% diện tích của bán đảo Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển và nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm, gây ra ngập úng, xâm nhập mặn, suy thoái đất…