Kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tha hóa
Theo ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, Mặt trận cần tích cực tham gia giám sát, phát huy vai trò trong phản biện xã hội, cùng với Đảng, Nhà nước tìm các biện pháp ngăn chặn tình trạng tha hóa của cán bộ.
Ông Vũ Trọng Kim.
PV: Vai trò của Mặt trận trong suốt quá trình lịch sử đã được khẳng định. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, trong nhiều nhiệm vụ của Mặt trận, theo ông, Mặt trận nên tập trung vào những nhiệm vụ nào?
Ông Vũ Trọng Kim: Nhiệm vụ nổi bật hiện nay của Mặt trận chính là xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận làm nhiệm vụ tập hợp người dân ở trong nước cũng như bà con kiều bào ở khắp năm châu là rất quan trọng, trong đó có nhiệm vụ là đưa đất nước phát triển mạnh giàu. Tức là mạnh về quốc phòng an ninh, giàu về kinh tế và đời sống nhân dân được cải thiện. Một nhiệm vụ nữa mà Mặt trận cũng phải đẩy mạnh đó là phát huy dân chủ để mọi người cùng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trách nhiệm của Mặt trận là phải cùng Quốc hội, Chính phủ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Việc này phải thể hiện được vai trò nhân dân làm chủ và cũng phải được thể hiện trong các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận.
Thời gian vừa qua, việc xây dựng chỉnh đốn Đảng phần nào chưa thật sự chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
-Vừa qua có những mặt quản lý nhà nước chưa chặt chẽ và chưa thật sự tốt, nên đã để xảy ra một bộ phận không nhỏ đảng viên lợi dụng chức quyền trục lợi cho bản thân, hay lợi ích nhóm. Tuy nhiên, việc này đang được chúng ta chỉnh đốn lại, lấy tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền làm kim chỉ nam để xây dựng đất nước nên mọi hoạt động trái pháp luật đều bị xem xét, kỷ luật. Chúng ta đưa ra tôn chỉ xây dựng Nhà nước pháp quyền thì mọi việc đều phải tuân thủ đúng pháp luật. Cho nên trước những vấn đề tiêu cực của xã hội đương nhiên chúng ta phải xem xét, giải quyết. Không chỉ cần giải quyết tại thời điểm này mà trong tương lai cũng thế chúng ta luôn phải cảnh giác với những hoạt động không tuân theo pháp luật. Đối với các cơ quan Trung ương, nhất là cơ quan tham gia vào quá trình quản lý cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức… phải cố gắng làm sao có một quy tắc nội bộ riêng của mình. Những người đứng đầu một cơ quan, đơn vị phải đi sâu vào việc quản lý kinh tế, quản lý cán bộ công chức cũng như người lao động vì đó là điều quan trọng.
Như ông vừa nói, bên cạnh sự tự giác thì vẫn cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuy nhiên hàng năm chúng ta vẫn tổ chức những đợt đi kiểm tra, giám sát nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn?
-Đúng vậy, chúng ta tổ chức giám sát nhiều, kiểm tra nhiều nhưng kết quả lại chưa nhiều vì cái chúng ta đang thiếu là cơ sở pháp lý. Do đó, quan trọng nhất là phải hoàn thiện thể chế về mặt quản lý để nâng cao kiểm tra, nâng cao giám sát chứ không thể làm hời hợt như hiện nay. Việc kiểm tra, giám sát này đòi hỏi phải có chuyên môn sâu và phải có trình độ nghiệp vụ nhất định. Bên cạnh đó cần phải theo sát để nhắc nhở, động viên kịp thời ở từng vị trí cụ thể. Đây là điều quan trọng cho nên ngoài những quy định của pháp luật thì việc quản lý nội bộ thông qua những bộ quy tắc ứng xử cơ quan là điều cần thiết cho nên ở bất cứ một bộ, ngành, một cơ quan hay một doanh nghiệp nào đó việc lựa chọn người đứng đầu phải có đủ phẩm chất như có đạo đức, có khả năng cống hiến, không vụ lợi cá nhân…
Không ít người khi lên làm lãnh đạo đã xảy ra sai phạm. Nhưng khi bị xử lý kỷ luật, họ lại nói rằng do bản thân không được nhắc nhở thường xuyên, không được uốn nắn kịp thời. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
-Nhắc nhở là điều quan trọng nhưng bản thân người đó khi lên làm lãnh đạo là phải biết mình làm gì và làm như thế nào. Tại sao nhiều người còn khó, còn khổ nhưng vẫn giữ được mình trong sạch như pha lê trong khi nhiều người giàu có lại tham lam vô độ. Việc này là do bản thân người đó quyết định cả thôi. Bây giờ Nhà nước có đưa ra bao nhiêu quy định, bao nhiêu nguyên tắc đi nữa mà lãnh đạo đó không tuân theo thì cũng khó. Do đó, phải mạnh dạn thay đổi ở những vị trí mà người lãnh đạo đó không hoàn thành nhiêm vụ và bổ sung kịp thời, bổ sung cả những người trẻ mà năng nổ, nhiệt tình với công việc, biết lắng nghe, dấn thân và cống hiến, lấy đó làm thước đo lựa chọn cán bộ.
Chọn cán bộ phải chọn những người có kinh nghiệm, trình độ; không tham lam, không vụ lợi, biết dấn thân và cống hiến. Tuy nhiên, có một thực tế là khi cân nhắc vào làm lãnh đạo rồi thì họ mới tha hóa. Vậy làm sao để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
-Đúng vậy, vì khi đó họ mới có cơ hội. Tuy nhiên sự tha hóa của họ đã có sẵn ngay ngay trong tư tưởng, trong suy nghĩ nhưng chưa biến thành hành động mà thôi. Do đó, điều quan trọng là phải theo dõi quá trình rèn luyện đạo đức của người đó thế nào trước khi cân nhắc lên làm lãnh đạo. Chúng ta không thể quản lý con người 24h trong ngày, 365 ngày trong năm được mà vấn đề quan trọng là người đó phải tự thân vận động, tự rèn luyện bản thân để trở thành người của nhân dân, người của quần chúng. Khi trở thành lãnh đạo, bất cứ một việc gì dù nhỏ hay lớn đều phải đánh giá tác động, phải ý thức được việc mình đang làm thì đất nước mới phát triển được. Tức là người lãnh đạo đó phải có khả năng đề kháng trước những vấn đề phức tạp trong xã hội, phức tạp trong mỗi đơn vị.
Trân trọng cảm ơn ông!