Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 về phổ biến pháp luật: Vẫn còn nhiều 'vùng trũng'
Đây là ý kiến của ông Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) trong Tọa đàm thông tin truyền thông Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019 cùng với việc phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật trong các nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Tư pháp tổ chức sáng ngày 8/10.
Báo cáo kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 cho thấy: Từ khi có Chỉ thị 32-CT/TW và đặc biệt giai đoạn Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu lực đến nay, chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương được nâng cao; Nội dung PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng một cách thực chất hơn nhu cầu thực tiễn của xã hội và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Hình thức PBGDPL luôn được đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL và đòi hỏi phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Nhiều hình thức PBGDPL được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực…
“Với một đất nuớc thì việc nắm được những kiến thức pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp xây dựng một đất nuớc thượng tôn pháp luật từ đó giảm những vi phạm, xung đột không đáng có. Tuy nhiên lâu nay người dân vẫn coi việc tìm hiểu về chính sách pháp luật là trách nhiệm của ngành chức năng. Khi có chính sách, luật nào ban hành được mời đi nghe phổ biến thì đi, thậm chí là không đi. Điều này cho thấy người dân vẫn còn “thụ động” trong việc trang bị những kiến thức về pháp luật, chính sách cho mình. Bên cạnh đó nhiều ban, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự coi trọng giá trị của việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính vì vậy không ít nơi làm cho có, cho hình thức” – ông Vệ Quốc cho biết.
Từ những hạn chế trên ông Vệ Quốc cho rằng, việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện PBGDPL. Thiết chế Hội đồng đã khẳng định vị trí, vai trò trong tư vấn, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL cần chú trọng thực hiện. Xác định nội dung trọng tâm PBGDPL và lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn.
Theo đó tới đây Vụ sẽ tiếp tục đổi mới nội dung Phổ biến giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin điện tử, mạng internet…
Cùng với việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với một số cơ quan, đơn vị phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”. Cuộc thi có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong bối cảnh tình hình vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Đối tượng dự thi là học sinh các trường THPT, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với quy mô phạm vi toàn quốc. Dự kiến lễ phát động Cuộc thi sẽ diễn ra vào cuối tháng 10/2019 tại Hà Nội.